Ngày 12/8/2019 tới, 12 ca khúc được nhạc sĩ Trần Ngọc phổ từ thơ của Ngọc Lê Ninh chính thức "trình làng" trong CD "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc". Nhân dịp này, Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với anh.
Một tiến sĩ chuyên về kỹ thuật nổ mìn thân thiện với môi trường và nay là nhà quản lý môi trường thì sẽ viết nên những bài thơ như thế nào? Đó chắc chắn là câu hỏi của nhiều người đặt ra trong đầu. Còn với những ai đã biết, đã yêu thích thơ Ngọc Lê Ninh bền bỉ hơn 30 năm qua thì khẳng định chắc chắn một điều- như bao nhiêu nhà thơ chuyên nghiệp khác, những con chữ của anh vừa mới mẻ, trẻ trung vừa chan chứa tình yêu và sự chiêm nghiệm cuộc đời. Bởi anh biết sống cân bằng giữa nghề và nghiệp của mình. Ngày 12/8/2019 tới, 12 ca khúc được nhạc sĩ Trần Ngọc phổ từ thơ của Ngọc Lê Ninh chính thức "trình làng" trong CD "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc". Nhân dịp này, Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với anh.
Không sợ thơ bị lu mờ bởi nhạc
- Xin chào nhà thơ Ngọc Lê Ninh, trước hết, xin chúc mừng anh với sự kết hợp tuyệt vời lần này. Anh có thể tiết lộ về "đứa con chung" giữa anh và nhạc sĩ Trần Ngọc?
+ CD "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc" gồm 12 bài thơ viết từ năm 1987 cho tới nay. Đây là những bài nhạc sĩ Trần Ngọc chọn lọc từ ba tập thơ đã xuất bản và hai bài của tập thứ tư sắp ra đời "Đôi mắt thời @ 4.0. Biển xanh". Các tác phẩm này đều là những bài thơ được nhiều độc giả yêu thích, mến mộ, thuộc lòng trong những năm qua.
Chủ đề xuyên suốt của CD là tình yêu quê hương đất nước với bài chủ đạo là "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc". Tên này do nhạc sĩ Trần Ngọc lựa chọn dựa trên nội dung của tác phẩm viết về tình mẹ con lồng trong tình đất nước.
- Xin anh cho biết anh thích nhất bài hát nào trong 12 tác phẩm này?
+ Tôi thích nhất bài "Gió và Núi" viết về tình yêu ở Tây Nguyên, do Ngọc Linh trình bày. Tiếp đến bài "Xuân núi" trích từ tập thứ 4 chưa xuất bản là một tác phẩm âm nhạc rất mới mẻ mang âm điệu khu vực Tây Bắc. Ca sĩ Lương Hải Yến – người đoạt giải Nhất Sao mai 2019 thể hiện bài này rất hay.
Bài "Lá thu", viết trên nền nhạc Tango cổ điển được ca sĩ Mai Chi của Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội thể hiện. Trong đó, một bài viết cho thanh niên rất vui nhộn, nhạc trẻ trung hiện đại mang tên "Nóng ran mùa thay lá" do quán quân Sao mai Điểm hẹn 2014 Phương Thủy song ca với ca sĩ Quang Hưng cũng rất cuốn hút.
Còn "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc" thì là một tác phẩm dành cho các chương trình hoành tráng trong những ngày lễ lớn với sự thể hiện của Xuân Hảo và Tốp ca.
- Giữa thơ và nhạc chắc chắn có những điểm riêng. Vậy khi nghe lại thơ của mình "làm mới" qua âm nhạc, anh có nhận thấy tác phẩm chuyển tải hết được cảm xúc, nội dung của những bài thơ mà anh sáng tác không?
+ Tôi đánh giá rất cao về âm nhạc của nhạc sĩ Trần Ngọc. Hầu như anh Trần Ngọc không bỏ thơ của tôi mà sử dụng hết các chất liệu có sẵn. Bài thơ như thế nào thì Trần Ngọc vẫn giữ nguyên, phổ nhạc theo phong cách của riêng mình, chỉ đảo các câu sao cho mượt mà hơn mà thôi.
- Có rất nhiều trường hợp khi bài thơ được phổ nhạc và nổi tiếng, nhưng khán giả chỉ nhớ đến phần bài hát mà quên mất bài thơ và tác giả của nó. Anh có lo ngại về điều này?
+ Tôi lại không hề lo ngại vì bản thân thơ của tôi đã có nhiều người thích rồi (cười). Nay lại có thêm âm nhạc chắp cánh thì tôi nghĩ rằng qua tổ hợp 12 ca khúc nhiều bạn trẻ và người yêu âm nhạc sẽ thích. Tôi nghĩ đây sẽ là luồng gió mới cho âm nhạc nước nhà.
- Lại càng quý hơn khi CD "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc" quy tụ được nhiều tên tuổi ca sĩ đã được khẳng định qua những mùa giải Sao mai. Anh có cảm thấy tự hào về điều này?
+ Đối với CD này tập hợp được hầu hết các ca sĩ đoạt giải Sao mai cao như Xuân Hảo, Lương Hải Yến, Phương Thủy… và những ca sĩ từng thi hoặc đoạt giải tại Sao mai. Họ được đào tạo chính quy, bài bản về âm nhạc, họ hát rất cảm xúc và chuyên nghiệp, góp thêm phần thành công cho các ca khúc của tôi và Trần Ngọc. Tôi hi vọng tâm huyết của chúng tôi được đón nhận nồng nhiệt.
Góp tiếng nói cho dòng nhạc quê hương đất nước
- Có vẻ dường như đây không phải là lần đầu tiên thơ anh được phổ nhạc?
+ Đúng. Trước đây tôi đã có 4 bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Anh Tú, Trần Tựa phổ nhạc. Người đầu tiên phổ nhạc thơ của tôi là nhạc sĩ Trần Tựa, hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Đó là bài hát "Sông ơi có biết" phổ từ bài "Con đê và dòng sông", bài thơ đầu tay viết từ năm 1987, khi còn là sinh viên. Nhiều ca sĩ như Nguyễn Thị Thu Thủy (Sao mai 2017), Thanh Bình, Mỹ Hà, Anh Thơ đã hát bài này.
Tuy vậy, trong CD này mới là một "chuyên đề" của riêng Trần Ngọc và Ngọc Lê Ninh. Trong album này anh Trần Ngọc tiếp tục phổ bài "Con đê và dòng sông" nhưng để nguyên tên. Điểm mới là bài hát làm theo phong cách dân gian đương đại, ca sĩ Thanh Thảo (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ) thể hiện rất thành công.
- Giữa xu hướng thích nhạc trẻ và thị trường nhạc trẻ có rất nhiều điều đáng bàn như hiện nay, anh có gửi gắm tâm sự gì qua CD mới này?
+ Tôi nghĩ bây giờ lớp trẻ thích dòng nhạc mới. Ngay cả thế hệ con tôi cũng thích nhạc châu Âu, Mĩ, Hàn Quốc. Người già thì thích dòng nhạc xưa, cổ điển. Tôi cho rằng gu âm nhạc còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Ai thích cái gì mình không thể ngăn cấm được.
Bản thân Trần Ngọc là giảng viên giảng dạy âm nhạc, chuyên về dòng nhạc cao cấp. Anh Trần Ngọc thấy thơ của tôi trẻ trung nên có sự phối hợp hài hòa để cho ra đời những tác phẩm thu hút người nghe. Tôi hi vọng đây sẽ là những ca khúc mới được nhiều người yêu thích. Chúng tôi cũng mong muốn góp thêm những tác phẩm có chất lượng để khán giả có thêm tình yêu với dòng nhạc ca ngợi tình yêu, ca ngợi Tổ quốc.
- Tôi vẫn muốn tò mò quay trở về thời sinh viên của anh, khi anh viết bài thơ đầu tay. Anh học trường nào và tại sao lại có niềm đam mê với thơ như vậy?
+ Tôi là sinh viên trường Đại học Mỏ- Địa chất. Trước đó, khi học trường chuyên Tĩnh Gia 1 (Thanh Hóa) tôi đã là học sinh giỏi nhiều môn, các cô giáo rất muốn tôi đi thi Văn nhưng tôi lại thích tự nhiên và chọn gắn bó với nghề mỏ - địa chất từ đó đến nay.
Dù vậy, chất văn chương thi ca vẫn chảy dạt dào trong người tôi. Ngay từ khi còn nhỏ, chưa đi học lớp 1 tôi đã đọc thơ ca dân gian cho cả nhà nghe. Vào đại học tôi may mắn hay được theo các anh Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến đi đọc thơ tại các trường đại học. Chính từ đó niềm đam mê thơ phú trỗi dậy để tôi làm ra những bài thơ của riêng mình và được nhiều người yêu thích.
- Anh có cảm thấy mình "thiệt thòi" khi không được đào tạo chuyên nghiệp về văn học?
+ Thực ra thì không. Dù vậy, năm 2017 tôi có tham gia lớp phê bình, lí luận văn học ngắn hạn ở trường Viết văn Nguyễn Du mà nay đã trở thành Khoa đào tạo Viết văn – Báo chí của trường Đại học Văn hóa. Trong 15 ngày tôi được các thầy Văn Giá, Nguyễn Trọng Tạo, Chu Văn Sơn… trao cho nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý báu. Bên cạnh đó còn là cơ hội giao lưu với nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ. Từ đó tôi viết được tập thơ thứ 3 và tập thơ thứ 4 sắp xuất bản. Cùng với năng khiếu có sẵn tôi đã học được thêm những kĩ năng, kĩ xảo trong việc đẽo gọt con chữ.
- Sinh ra và lớn lên ở vùng biển nhưng anh lại có rất nhiều bài thơ về vùng núi khắp mọi miền Tổ quốc, phải chăng đây là do ảnh hưởng của nghề nghiệp?
+ Đúng như vậy. Công việc làm cán bộ quản lí môi trường, đi khắp các tỉnh thành cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Những hình ảnh của quê hương đất nước gợi nên cho tôi nhiều suy tưởng và từ đó chắt lọc con chữ để cho ra đời những vần thơ.
Còn hơi thở là còn làm thơ
- Vậy anh "phân chia" mình như thế nào cho nghề và nghiệp?
+ Tôi xác định trong cuộc đời có 2 tâm hồn tách biệt nhau hoàn toàn. Một bên luôn tận tụy nghiên cứu khoa học. Một bên là tâm hồn. Nhưng thời gian nghiên cứu khoa học và quản lí chiếm đến ¾ rồi nên chỉ còn ¼ dành cho thơ.
Tôi hay làm thơ vào lúc nửa đêm, đến 2-3h sáng bắt đầu ngủ. Hoặc khi nào stress quá, cần giải tỏa tinh thần thì thơ sẽ đến.
- Thế còn phần nào anh dành cho gia đình?
+ Tất nhiên tôi vẫn là một người đàn ông chu đáo với vợ con. Trước đây những lúc làm thơ cũng có "làm phiền" khiến vợ bị mất ngủ theo. Giờ thì khi làm thơ tôi "biết điều" đi ra phòng ngoài để làm cho yên tĩnh. (Cười)
- Như vậy, gia đình anh vẫn rất ủng hộ sự nghiệp thơ ca của anh?
+ Nếu không có vợ con ủng hộ thì không thể có đến tập thơ thứ 4 như hiện nay (cười). Vợ tôi cũng từng tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội 2, bây giờ là giảng viên trường Học viện Tài chính nên rất hiểu và chia sẻ với đam mê của chồng.
- Vậy nên anh vẫn tiếp tục làm thơ như duyên nợ đời mình?
+ Đúng là như vậy. Tôi cũng có động lực là độc giả nhiều người yêu thích, hâm mộ qua các tác phẩm đăng rất nhiều ở Việt Nam và thế giới. Năm vừa rồi đăng báo nước ngoài nhiều. Thơ của tôi cũng được dịch sang tiếng Anh, Nga, Bồ Đào Nha và được Bỉ trao giải thưởng. Vì vậy, còn duyên nợ, còn hơi thở là tôi còn làm thơ.
Xin chân thành cảm ơn và chúc anh tiếp tục thăng hoa, thành công trong nghề - nghiệp của mình!
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh sinh năm 1969, quê ở Hải Nhân, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Anh là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, là Tiến sĩ khoa học kỹ thuật, hiện đang công tác tại Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Anh cũng đã xuất bản 3 tập thơ: Vỡ cùng hy vọng (NXB Hội Nhà văn - 2016); Chưa thể đặt tên (NXB Hội Nhà văn - 2017); Hạt mưa thầm (NXB Thanh Niên - 2018). Ngọc Lê Ninh còn nhiều lần xuất hiện trên Sân thơ Trẻ (Ngày thơ Việt Nam ) và đọc thơ tại các trường đại học. Mới đây anh đã đoạt giải thơ của Hội nhà văn Quốc tế năm 2019 - IWA BOGDANI. Anh đã có 10 bài thơ dịch ra tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và được đăng trên các báo và tạp chí của các nước.
HƯƠNG GIANG