Làm thơ từ thời đi học và là một thành viên nhiệt tình của phong trào thơ sinh viên những năm 90 thế kỷ trước, bẵng đi thời gian dài mải miết với học hành, bằng cấp và công việc, vài năm trở lại đây, Ngọc Lê Ninh xuất hiện trở lại với ba tập thơ nối nhau ra đời trong ba năm liền (2016, 2017, 2018). Đó là các tập: “Vỡ cùng hy vọng”, “Chưa thể đặt tên” và “Hạt mưa thầm”.
Và theo tác giả tiết lộ thì anh đã hoàn thành bản thảo tập thơ thứ 4 cũng như đang ấp ủ dự án về thơ và nhạc khác nữa. Trong cả trăm bài thơ của Ngọc Lê Ninh đã xuất bản, không thể nói rằng bài nào cũng hay, cũng đặc sắc riêng biệt.
Nét riêng trong thơ anh chính là một hồn thơ dào dạt, đắm đuối yêu đời - yêu người. Yêu một cách hồn nhiên và sôi nổi. Yêu và bộc lộ rõ ràng, tự tin cả khi thất bại, thậm chí cất tiếng kêu tiếng than mà không cần phải giấu diếm, e ngại hay lấp lửng. Có được điều ấy phải chăng vì tác giả là người làm khoa học ứng dụng, có vị trí và sự bận rộn trong công việc.
Theo nhà phê bình Văn Giá, ở Ngọc Lê Ninh, tư cách nhà khoa học và nhà thơ gặp nhau ở chữ “Sáng tạo”: “Trong quan sát ban đầu của tôi thì thơ Ngọc Lê Ninh chụm vào ba mảng chính. Mảng thứ nhất là mảng thế sự, quan tâm đến những vấn đề của đời sống nhân quần, đời sống của đất nước nói chung. Mảng thơ thứ 2 là mảng thơ tình yêu.
Chúng ta biết là mảng thơ tình yêu là tiếng đập vỗ của mọi trái tim, nhưng có khả năng biểu đạt nó thành nghệ thuật hay không lại là một câu chuyện. Lê Ngọc Ninh là một người biểu đạt được những cảm xúc ở nhiều cung bậc đa dạng tinh tế của tình yêu. Và mảng thứ ba, theo tôi rất đáng chú ý, đó là mảng thơ viết về đề tài sinh thái. Đó là sự gặp gỡ giữa thơ ca, nghệ thuật với đời sống của thiên nhiên môi trường, của trái đất này”
Đọc thơ Ngọc Lê Ninh sẽ thấy anh đi theo ba mảng chính: Thơ thế sự, thơ tình yêu và thơ về thiên nhiên môi trường. Ở chủ đề nào, mạch thơ anh cũng tuôn chảy dào dạt, mang tâm thế một dòng sông băng về phía trước, cuộn theo tất cả phù sa và nước ngọt để lấp đầy khoảng trống quá khứ, nâng niu hiện tại và hướng tới tương lai.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thấu hiểu dường như con người thơ của Ngọc Lê Ninh là con người của tình yêu: “Ngọc Lê Ninh là một nhà thơ tình. Cảm xúc trong thơ tình của anh không bị trói buộc bởi một sứ mệnh thi ca nào hết. Những cảm xúc tình yêu tràn đầy đã làm nên gương mặt thơ Ngọc Lê Ninh. Một trong những bài tôi ấn tượng là bài “Hàm số tình”, anh vận dụng đưa toán vào trong thơ ca, với con mắt của nhà khoa học, rất thú vị”.
Thơ tình Ngọc Lê Ninh cũng là một nguồn năng lượng mà nhạc sỹ Trần Ngọc cảm nhận được, và chắp mối duyên thơ nhạc với anh.
12 ca khúc trong tổ hợp thơ - ca khúc “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc”, hầu hết được phổ từ những bài thơ tình: Gió và núi, Nóng ran mùa thay lá, Đèn tình, Chiếc lá hình trái tim, Miếu tình… vv… Ngay tên gọi các bài thơ – bài hát đã cho thấy điều này, một cái gì đang ào ạt, một cái gì đang nóng lên, một cái gì đang da diết, hy vọng, dù đổ vỡ vẫn chấp nhận và tiếp tục hy vọng.
Phổ nhạc 12 bài thơ, làm thế nào để chúng khác nhau – Đó là câu hỏi mà nhạc sỹ Trần Ngọc tự đặt ra cho mình trong quá trình sáng tạo: “Phổ 12 bài thơ, làm thế nào cho chúng khác nhau. Tôi phải tư duy về mặt khoa học của nghệ thuật. Bài này thì tôi sẽ dùng chất liệu Tây Bắc, bài này tôi dùng chất liệu Tây Nguyên, nhưng Tây Nguyên hiện đại, Tây Nguyên của Trần Ngọc; rồi bài này tôi viết Tango, bài này tôi viết theo nhịp valse , Rumba, hay ả đào – nhưng ả đào mới lạ chứ không phải như ả đào các bạn đã nghe. Chính vì thế nó tải được thơ của Ngọc Lê Ninh”
“Cái tình trong thơ Ngọc Lê Ninh làm tôi cảm xúc”. Nhạc sỹ Trần Ngọc đã thốt lên như vậy.
Và nhà thơ Ngọc Lê Ninh cũng không ngần ngại bày tỏ sự nồng nhiệt của mình với thơ ca: “Khi làm thơ, chúng ta phải có niềm thơ mãnh liệt, và viết để thể hiện nỗi lòng, tình cảm của mình với quê hương đất nước và con người. Cứ viết như thế rồi dần dần sẽ hoàn thiện, có những bài thơ hay. Và tất nhiên, muốn thơ mình hay hơn nữa thì phải có nhạc, muốn có nhạc thì phải có cơ duyên, chứ không cưỡng ép được. Nhạc sẽ chắp cánh cho thơ bay lên”.
Làm thơ để bộc lộ nỗi lòng, giải tỏa những căng thẳng stress trong công việc, phân định rất rõ công việc và thơ ca, song thơ thực sự là một phần cuộc sống của Ngọc Lê Ninh, giúp anh cân bằng và thăng hoa trong công việc, trong cuộc sống. 12 bài thơ của anh được nhạc sỹ Trần Ngọc phổ nhạc lần này là bước khởi đầu hợp tác giữa đôi bên.
Những ca khúc sẽ nới dài, mở rộng không gian tồn tại cho thơ Ngọc Lê Ninh: “Các nhà thơ như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Nhuận Cầm đã nhận xét thơ của Ngọc Lê Ninh đọc lên đã có nhạc rồi. Đó là nhạc của thơ. Mình cũng thấy nó quện với nhạc của anh Trần Ngọc. Anh không phổ theo nhạc của thơ mà lấy lời phổ trên nhạc của anh ấy, đem lại một diện mạo khác, khi nghe lại có cảm xúc hơn”
Gặp nhau trong thơ và nhạc, tự tin ở thơ và ở nhạc – điều ấy hoàn toàn dễ hiểu với người làm nghệ thuật, bởi khi đã viết một bài thơ, tạo hình một bản nhạc thì đồng thời họ đã trút vào đó rất nhiều cảm xúc, tâm huyết, cả sự trông đợi vào đứa con tinh thần của mình khi ra ngoài xã hội sẽ phổng phao và thành đạt.
Một trong những thuận lợi của Ngọc Lê Ninh là anh được nhiều bạn bè đồng nghiệp thân quý, những buổi giới thiệu thơ giới thiệu ca khúc của anh luôn nhận được nhiều tình cảm, sự ủng hộ của khán giả, của báo chí truyền thông. Chị Lê An Nguyên công tác ở Viện Hóa học hào hứng với tổ hợp 12 ca khúc này: “Mình rất thích cách anh nhìn về thiên nhiên, về những dòng sông ở những làng quê. Đặc biệt nghe những bài thơ phổ nhạc, thì cảm xúc đem lại thật mát mẻ thanh bình”
Những cuộc gặp gỡ trong cuộc đời dệt nên tình bạn, tình yêu, tình tri kỷ. Những cuộc gặp gỡ trong nghệ thuật tạo đà cho sáng tạo. Rất ngẫu nhiên, cả nhà thơ Ngọc Lê Ninh và nhạc sỹ Trần Ngọc đều chọn 2 ca khúc phổ thơ yêu thích nhất trong chùm 12 bài lần này, đó là: “Gió và núi” và “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc”: “12 ca khúc phổ thơ đều mang cho tôi một ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc. Bài “Gió và núi” dùng hoàn toàn hình tượng gió và núi thôi, nhưng là một đôi tình nhân, một chàng trai một cô gái, rất nồng nàn. Và tôi cũng phải tìm một nhạc điệu của Tây Nguyên để chuyển tải. Còn bài “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc”, nhan đề thơ của nó là “Hai chiều Tổ quốc”. Tôi bảo “Chưa cao. “Hai chiều Tổ quốc” nghe nó nhẹ nhàng quá, âm thầm quá, chưa bay bổng, chưa thể hiện được hết ý tưởng thơ. Vậy phải lấy là “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc”
“Hai chiều Tổ quốc” là bài thơ tôi viết tặng mẹ tôi. Phần thực là nói về tình cảm mẹ con. Xa hơn, người mẹ ở đây, tôi muốn nói đến Bác Hồ và ánh sáng soi đường của Đảng. Vì vậy, chúng ta, thế hệ trẻ bây giờ phải luôn tôn trọng quá khứ, có quá khứ mới có tương lai”. – Nhà thơ Ngọc Lê Ninh cho biết.
Cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ Ngọc Lê Ninh và nhạc sỹ Trần Ngọc đã cho ra hoa trái, hứa hẹn những hội ngộ tiếp theo. Giá trị của nghệ thuật không phụ thuộc vào số lượng. Lịch sử thơ ca âm nhạc đã cho chúng ta thấy rằng dù chỉ một bài thơ, một bản nhạc đi cùng năm tháng, thì phần thưởng người nghệ sỹ nhận về đã quá đỗi ngọt ngào.
ANH THƯ
Link nội dung: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/ngoc-le-ninh-tu-tho-den-nhac-12.html