Mười ba bến nước – Khúc ca đau đớn của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến

Mười ba bến nước là một trong những truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh bàn về số phận của những người phụ nữ có chồng là bộ đội trong chiến tranh. Những người phụ nữ đó phải chịu nhiều đau đớn về mặc cảm đẻ ra những quái thai, mặc cảm về tình yêu và về thân phận khiến con người lâm vào nhiều hoàn cảnh trớ trêu. Số phận bi thương của những người phụ nữ đó khiến người đọc ngậm ngùi về kết thúc đau khổ của họ trong thời bình.

Người xưa quan niệm 12 nghề trong xã hội được phân từ cao đến thấp đó là: Công, hầu, khanh, tướng, sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục, với người phụ nữ hiện đại, nếu lấy chồng bộ đội được xem như neo đậu ở bến nước thứ mười ba. Truyện ngắn kể về số phận của người phụ nữ lấy chồng là bộ đội, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh éo le, chồng đi lính, một mình chị ở nhà với mẹ chồng, trong nhân vật nữ chính luôn mang mặc cảm ẩn ức vì không sinh ra được những đứa con lành lặn cho chồng mình. Nỗi khát khao được sinh ra những đứa con bình thường đã khiến chị đau khổ, buồn bực.

Những lần mang thai là những lần chị sinh ra những quái thai, những cục thịt đỏ hỏn, đối với bất cứ người phụ nữ nào, làm mẹ là điều thiêng liêng nhất, vinh dự nhất nhưng điều đó lại trở thành đau khổ nếu như người mẹ nào sinh ra những đứa con không lành lặn, với những người phụ nữ điều đó thật đáng sợ như cướp đi điều gì quý giá linh thiêng nhất trong cuộc đời này. Hi sinh, chịu thương, chịu khó là một trong những đặc điểm của những người phụ nữ Việt Nam nói riêng và của phụ nữ thế giới nói chung. Nhân vật trong tác phẩm xưng “tôi” không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối về thân phận dở dang lỡ làng của mình, điều quan trọng hơn khi chồng chinh chiến xa xôi, nỗi khát khao ấy lại được dâng lên nhiều lần, chị ăn nằm ở đậu với một người đàn ông khác trong làng, khi chồng trở về biết điều đó nhưng vẫn âm thầm nhẫn nhịn, chịu đựng, và kết thúc cho mối tình ấy là hai người li hôn, li hôn không phải vì chị không sinh được con cho chồng mà li hôn vì chính bản thân chị đã phản bội lại đạo nghĩa vợ chồng, điều này chỉ có bản thân chị mới biết. Như để bù đắp lại cho sai lầm của mình chị mối bạn chị cho anh chồng, nhưng cuộc hôn nhân đó không được kéo dài, cuối cùng cô gái ấy phải ra đi, chồng chị một mình lạnh tanh, âm thầm chịu đựng.

ff1-1681637213.jpg

Chiến tranh đã lùi đi rất xa, rất xa vào dĩ vãng vào quá khứ, nhưng những di chứng mà cuộc chiến để lại thật khủng khiếp, những người lính, những người bộ đội bị nhiễm chất độc màu da cam không có cơ hội để lập cho mình một gia đình trọn vẹn, họ mang trong mình mầm bệnh, mang trong mình cái nợ nước nhà mà mình phải trả, những bù đắp về vật chất, những lời tán dương ca ngợi, những sự chiếu cố từ cuộc đời không thể xoa dịu được nỗi đau trọng họ, không thể xua tan đi những ám ảnh về cuộc chiến tranh mà họ đã trải qua, đó là máu, nước mắt và chết chóc… tất cả những hình ảnh đó như vừa mới hôm qua không thể phai nhòa. Cho đến khi bước vào cuộc sống thực, họ bỡ ngỡ họ ngỡ ngàng mọi thứ đã thay đổi chóng vánh đến chóng mặt.

Sương Nguyệt Minh đã rất tinh tế khi khai thác được diễn biến tâm lý nhân vật trong tác phẩm, tác giả đã bóc trần những sự thật đến đau đớn, khiến cho người đọc không thể ngỡ ngàng được. Việc một người lính sống quen trong môi trường quân đội khi bước vào thế giới thực đã không còn là chính mình như trước, những lý tưởng cao xa, những lời hứa viễn vông đã khiến họ không thể tồn tại mãi mãi là chính mình như ngày nào. Chiến tranh và hòa bình là hai thế giới khác nhau: Hòa bình mọi người sống vui vẻ, an nhàn hưởng thụ, còn chiến tranh lại mang đến sự chết chóc tranh giành. Môi trường chiến tranh đã tôi luyện nên những con người dũng cảm gan dạ, dám hi sinh cuộc đời mình vì nước vì dân, họ đặt quyền lợi của tập thể, của cái ta lên hàng đầu họ sống chết vì tập thể, sống chết vì nhân dân vì con người và cuộc đời. Còn cuộc sống thực thì lại khác đời sống hiện đại con người đặt lợi ích cá nhân lân hàng đầu, sống vì quyền lợi chính đáng của mình, ít chú trọng đến đời sống tập thể.

ff2-1681637208.jpg
Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nhà văn đã sử dụng ngôi kể thứ nhất để nhân vật tự bộc lộ nội tâm, tâm trạng nhân vật tự giãi bày những cảm xúc, những rung động trong tâm hồn, kể cả những khát khao đang bùng cháy trong tâm trạng của mình. Tác giả để nhân vật tự kể chuyện cuộc đời mình tự phơi bày những điều mà mình ham muốn, ưa thích, qua đó những tâm sự sâu kín của nhân vật được bộc lộ rõ nét, các đoạn đối thoại của nhân vật trong tác phẩm cho thấy được sự thật được phơi bày, được mở rộng.

Bằng những trải nghiệm của mình, Sương Nguyệt Minh đã mang đến cho người đọc góc nhìn chân thực về cuộc đời, con người trong cuộc sống, từ đó người đọc hiểu rõ hơn về văn hóa, tục lệ của mỗi địa phương, mỗi nơi nhà văn đã in dấu chân mình đi qua, mỗi trang viết của tác giả như trang đời ấm nóng, soi tỏ nhiều ngõ ngách nhiều góc khuất trong cuộc đời mà tác giả được tận mắt chứng kiến, nhìn rõ. Thiên chức của nhà văn là nói rõ và nói đúng sự thật để cho mọi người được biết, những cách nói đó phải khéo léo, tế nhị và nhẹ nhàng như lời tâm sự chân thành của người cha, người chú, người anh dành cho mọi người.

Hoàng Bạch Diệp

Link nội dung: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/muoi-ba-ben-nuoc-khuc-ca-dau-don-cua-nguoi-phu-nu-co-chong-di-chinh-chien-139.html