|
Viêng Chăn nổi tiếng với những ngôi chùa có tuổi đời tới vài trăm năm cùng nét kiến trúc độc đáo. Ảnh minh họa. |
Sự phát triển kinh tế - xã hội
Thủ đô Viêng Chăn ra đời gắn liền với sự kiện vua Xạt-thả-thi-lạt rời Luông Pha Băng về đóng đô tại Viêng Chăn. Một bộ phận dân cư từ Luông Pha Băng cũng về đây sinh sống.
Thủ đô Viêng Chăn cũng là nơi có mật độ dân cư đông nhất. Năm 2021, dân số của Thủ đô là 969.991 người. Nhóm tộc người Thai-Kadai hay Lao-Tai là tộc người đa số ở Lào và cũng sinh sống tập trung ở thủ đô Viêng Chăn, ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ người Việt và người Hoa.
Thủ đô Viêng Chăn bao gồm 9 mương (tương đương với cấp quận/huyện ở Việt Nam) gồm: Chan-ta-bu-ly, Sit-khot-ta-bong, Say-se-tha, Si-sat-ta-nak, Had-xai-fong, May-park-ngum, Na-xai-thong, Sang-thong, Xay-tha-ny.
Phần lớn Thủ đô của đất nước Triệu Voi là đồng bằng, khí hậu nhiệt đới, gió mùa và có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, tiếp theo đó là mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 hằng năm, có sông Nặm Ngừm chảy xuyên qua lãnh thổ tạo điều kiện cho sự phát triển đường thuỷ, nghề bắt cá, nông nghiệp, chăn nuôi, thương mại, dịch vụ và có nhiều phong cảnh đẹp làm cơ sở cho ngành du lịch phát triển, có đường đi lại thuận lợi trong cả hai mùa, các đường quốc lộ chính và quan trọng nhất chạy qua như: Quốc lộ 10 (10km), Quốc lộ 13 (24km), Quốc lộ Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn (5km) và Quốc lộ Đông Độc – Noong Bức (6km). Thủ đô Viêng Chăn có địa hình bằng phẳng và đồi cao, diện tích chủ động tưới tiêu rất ít. Là khu vực có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đất đai thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, đây lại là vùng đất có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nên các hoạt động kinh tế diễn ra khá sôi động. Năm 2017, kinh tế thủ đô Viêng Chăn liên tục tăng trưởng đạt mức 10,09%, thu ngân sách trên địa bàn đạt mức cao, chiếm 40% thu ngân sách toàn quốc.
Do tác động của đại dịch COVID-19, năm 2022, kinh tế Viêng Chăn tăng trưởng chỉ ở mức 4,83%, GDP đạt 62.243,93 tỉ Kíp. Giá trị GDP của Lào dự kiến sẽ tăng lên 234.160 tỷ Kíp (13,6 tỷ đô-la Mỹ) vào cuối năm 2023, với GDP bình quân đầu người là 1.625 đô-la Mỹ và tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người là 1.534 đô-la Mỹ. Năm 2020, toàn thủ đô Viêng Chăn có 170.506.418 cơ sở sản xuất công nghiệp với giá trị 5.615.096.044 Kíp; có 1.537.744 cơ sở tiểu thủ công nghiệp với giá trị 74.297.125 Kíp.
Về nông nghiệp, Viêng Chăn có thế mạnh đất đai rộng lớn phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hạt điều vừa thuận lợi cho chăn nuôi gia súc và trồng lúa, nhất là các loại cao sản phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp không phải ngành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân ở đây. Năm 2022, nông nghiệp tăng trưởng 3,91%, chiếm 13,77% tổng thu nhập toàn tỉnh.
Đây cũng là một trong bảy khu phát triển du lịch của Lào (Luông Pha Băng, thủ đô Viêng Chăn, Hủa-phăn, Xa-vẳn-na-khet, Xiêng-khoảng, Chăm-pa-sắc, Văng-viêng) được Nhà nước chú trọng đầu tư. Khai thác tiềm năng kinh tế của những ngôi chùa, cộng với địa hình bằng phẳng, thủ đô Viêng Chăn rất thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp du lịch. Ngành công nghiệp “không khói” này đã mang lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế thủ đô, giúp thúc đẩy các ngành nghề kinh doanh liên quan đến du lịch, tạo nhiều việc làm cho người dân, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống viễn thông, tài chính - ngân hàng cũng phát triển tương đối mạnh.
Thủ đô Viêng Chăn với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá cao, là nơi thu hút số lượng dự án, công trình nhiều nhất trong cả nước. Trong đó, nhiều dự án, công trình của Việt Nam được đầu tư vào khu vực này như: Đặc khu kinh tế Long Thành, Dự án khu đô thị mới NoongTha Centra Park, dự án phát triển khu đô thị mới tại đầm Thadluong, Dự án sửa chữa 2 trạm bơm tại bản Dongphosi…
Bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa địa phương
Việc xây dựng chùa chiền và thờ Phật là nét đặc trưng tôn giáo của người dân thủ đô Viêng Chăn. Nếp sống văn hoá của người dân thủ đô thể hiện dấu ấn văn hoá Phật giáo sâu sắc, từ kiến trúc, nghệ thuật cho đến hội hoạ, điêu khắc ngôn ngữ, văn tự cho đến văn học, thi ca, từ trang phục, ẩm thực cho đến tín ngưỡng, lễ hội.
Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất trong các nhóm Lào-Tai, trong khi các tộc người khác tin vào vạn vật hữu linh . Đến với Viêng Chăn, là đến với thành phố của những ngôi chùa. Có khoảng 1.600 ngôi chùa trải rộng trên đất nước này, riêng Viêng Chăn đã sở hữu vài trăm ngôi chùa. Thủ đô có rất nhiều di tích lịch sử với những ngôi chùa, tháp, trong đó có chùa Thạt Luổng, chùa Xỉ Mương, Khải hoàn môn, Vườn Tượng Phật… Đây là những ngôi chùa và tháp nổi tiếng của Thủ đô đã gắn liền với đời sống văn hoá tâm linh của người dân hàng trăm năm nay. Mỗi ngôi chùa mang một vẻ đẹp, một nét bình yên riêng.
Chùa vừa là nơi diễn ra các nghi lễ, lễ hội của Phật giáo, vừa là nơi họp công việc chung của cả bản. Ngoài ra, người dân Thủ đô còn duy trì phong tục mỗi tháng trong năm diễn ra một lễ hội truyền thống, có nghĩa là sẽ có ít nhất 12 lễ hội diễn ra trong một năm như: tết Bun Pi May (Tết năm mới Lào), lễ hội đốt pháo thăng thiên, lễ hội đua thuyền… Trong đó, mỗi lễ hội có các trò chơi dân gian, trò chơi ném còn, đu quay… Về ăn mặc, người dân Thủ đô vẫn giữ nét đặc trưng của người Lào thể hiện rõ trong các ngày lễ, tết bằng bộ trang phục truyền thống, nữ mặc Sin máy, Sin phải, Biêng phe (váy lụa, váy vải, quàng khăn), còn nam giới mặc quần truyền thống, quàng khăn giống nữ giới.
Do ảnh hưởng của nền văn hóa truyền thống, lễ giáo phong kiến lâu đời, người dân Thủ đô có phong cách sống rất nền nếp, hiền hậu. Nét đặc trưng đó là cách sống khuôn phép, lễ nghĩa, kính trên nhường dưới; phong thái quý phái, ăn nói nhẹ nhàng. Họ phát triển nền tảng gia đình hạnh phúc với việc coi trọng nết ăn, nết ở của mỗi thành viên.
Cũng như người Lào nói chung, tính cách nổi bật của người dân Thủ đô là không thích xung đột, luôn luôn ôn hoà, khiêm tốn... Những tính cách đó bắt nguồn từ ảnh hưởng sâu sắc quan niệm “Trung đạo” của Phật giáo. Với những tính cách như vậy, người dân Thủ đô thích những công việc có tính ổn định cao như làm nông nghiệp, đi lính. Họ không quen với những công việc mang tính chất mạo hiểm như làm dịch vụ thương mại, thu gom phế liệu, chưa quen làm công nhân trong các nhà máy xí nghiệp có tính kỷ luật giờ giấc.
Thời gian qua, Uỷ ban nhân dân thành phố Viêng Chăn, Sở Thông tin - Văn hoá và Du lịch đã tích cực thúc đẩy bảo vệ và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của địa phương và các dân tộc. Các di sản văn hoá quý báu được bảo tồn và phát huy trong sự đa dạng về hình thức, thể hiện phong phú về nội dung, phù hợp với nhu cầu của nhân dân các bộ tộc, các quận trong thành phố.
Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với sự tiến bộ và nhân văn, chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Thủ đô Viêng Chăn đã quan tâm đến việc hạn chế và chống lại văn hoá ngoại lai không lành mạnh, làm hại văn hoá truyền thống tốt đẹp của đất nước.
Trong đó, chú trọng việc đào tạo cán bộ địa phương và đưa cán bộ chuyên môn xuống cơ sở theo Nghị quyết số 31/BCTTWĐ của Bộ Chính trị “Về công tác quản lý cán bộ”. Mục tiêu của công tác luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của đội ngũ cán bộ. Thủ đô đã đạt được những thành công nhất định, khắc phục được tình trạng hẫng hụt, khép kín trong từng địa phương, từng ngành, đồng thời tăng cường cán bộ cho cấp huyện, cấp cơ sở.
Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: Thứ nhất, luân chuyển cán bộ cần phải gắn với quy hoạch cán bộ; Thứ hai, việc luân chuyển cán bộ cần tính đến những đặc điểm về công việc, vị trí chức danh mà cán bộ được quy hoạch có thể được bổ nhiệm trong tương lai; Thứ ba, việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước cần được chú ý để tạo môi trường phù hợp nhất cho cán bộ được rèn luyện, trưởng thành và phát triển một cách toàn diện; Thứ tư, quá trình tiến hành luân chuyển cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, mở rộng dân chủ và có bước đi thích hợp…
Đồng thời, Thủ đô cũng tích cực thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng làng văn hóa. Đến năm 2018, riêng quận Sit-khot-ta-bong đã xây dựng được 17.294 gia đình văn hóa trong tổng số 21.034 gia đình và xây dựng được 55/60 làng bản văn hoá địa bàn quận. Đến năm 2022, đã hoàn thành việc xây dựng gia đình văn hoá và làng bản trên toàn quận.
Lào đã mở cửa với cộng đồng quốc tế trong những năm gần đây. Cải cách kinh tế đầu tiên được bắt đầu vào năm 1986 và phát huy ảnh hưởng từ năm 1994. Cũng giống như ở Việt Nam, quá trình đổi mới này bắt đầu từ các lĩnh vực kinh tế rồi mở rộng ra các lĩnh vực xã hội và văn hóa. Sự biến đổi này diễn ra trước nhất ở các đô thị lớn, các thị xã, thị trấn, các vùng dân cư dọc các trục lộ giao thông. Cùng với xu hướng toàn cầu hoá, hiện đại hoá, đời sống kinh tế của người dân thủ đô Viêng Chăn có nhiều thay đổi, ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, văn hoá truyền thống của người dân thủ đô cũng đang đứng trước nguy cơ bị tổn hại, cần được quan tâm gìn giữ.
Link nội dung: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/van-hoa-va-con-nguoi-thu-do-vieng-chan-lao-169.html