Văn Cao – Người nghệ sĩ để lại dấu ấn trong nhiều thế hệ

Văn Cao - tác giả của bài “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam, là một nghệ sĩ lớn, một chiến sĩ cách mạng. Ông đóng góp trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước nhà, từ âm nhạc đến hội họa, thơ ca, lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, để lại dấu ấn sâu đậm.

Cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật cách mạng

Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại Hải Phòng, mất năm 1995, tại Hà Nội. Với tài năng thiên bẩm, cùng sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà ở cả ba lĩnh vực âm nhạc, thơ và hội họa.

Ông được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng...

Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại”.

images-1725334194.jpeg

Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao.

 

Cánh chim đầu đàn của âm nhạc chuyên nghiệp

Nhạc sĩ Văn Cao được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây từ nhỏ, khi học tại Trường Bonnal và Trường dòng Saint-Joseph (Hải Phòng). Ca khúc đầu tiên ông viết năm 16 tuổi là “Buồn tàn thu”, sau đó là các ca khúc lãng mạn, trữ tình như “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”…

Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh. Với bài hát “Tiến quân ca” cuối năm đó, ông đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng - kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ. Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn”, rồi các ca khúc, hành khúc như “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sĩ Việt Nam”; tiếp đó là “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”; sau này là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”...

Phân tích về tác phẩm “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định, ca khúc được viết từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ. “Tôi nhớ tại Paris (Pháp) có cuộc bình chọn những bài quốc ca hay nhất thế giới thì một trong những bài đứng đầu là Quốc ca Việt Nam. Đơn giản vì ngoài yếu tố lời ca tiếng Việt còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là ca khúc được xây dựng trên thang âm ngũ cung”, nhạc sĩ Doãn Nho nói.

Bên cạnh âm nhạc, Văn Cao còn xuất sắc ở các lĩnh vực hội họa và thơ. Tại hội thảo, nhiều ý kiến phân tích sâu hơn về các tác phẩm trong các lĩnh vực này của nghệ sĩ đa tài này.

Giáo sư Phong Lê nhận định, bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn, Văn Cao còn là một nhà thơ lớn. Ông là tác giả của không ít bài thơ “làm tổ” được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Một số bài thơ rất được người đọc nhớ và thuộc trước 1945 như “Quê lòng”, “Đêm mưa”, “Ai về Kinh Bắc”, “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, “Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc”...

Sau thơ, còn là văn xuôi, với các truyện ngắn mà một số đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy - năm 1943, như “Dọn nhà”, “Siêu nước nóng”…

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến phân tích những phẩm chất, tài năng xuất chúng của Văn Cao; lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy; những đặc điểm, giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật các tác phẩm của Văn Cao ở các giai đoạn, trong các lĩnh vực nhạc, họa, thơ để thấy rõ hơn, sâu sắc hơn về tài năng thiên bẩm và những nỗ lực sáng tạo, khai phá, đổi mới trong nghệ thuật của Văn Cao.

vc5-1-1725333802.jpg

Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao.

 

Theo Ban tổ chức, kết quả của hội thảo là cơ sở để xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng những chủ trương, chính sách và có những biện pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh và bảo tồn những tác phẩm vô giá, những cống hiến lớn lao của Văn Cao nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Nhạc sĩ” thường được đặt đầu tiên trong số những danh xưng của Văn Cao, thậm chí đôi khi là duy nhất. Nhưng những người đọc sâu thơ Văn Cao và người hôm nay cần hiểu rằng trong cốt tủy của Văn Cao, trước tiên là một nhà thơ. Trong bài thơ nhan đề “Sự sống thật” viết năm 1970, ông đã viết:

Tôi không được làm trái đầu mùa

Những trái cây

                        cao giá

Tôi,

Một trái cây muộn

                              còn sót lại cành      

Vị cuối cùng

Mùa cuối cùng

Rớt xuống...

Một bài thơ có lẽ được viết một cách lặng lẽ trong những ngày “lặng lẽ” nhất trong cuộc đời Văn Cao. Thời khắc ấy, thơ vẫn đến với ông, một cách đầy ngậm ngùi. Và không chỉ vậy, thơ theo suốt Văn Cao suốt một hành trình rong ruổi. Theo nhà báo Trần Nhật Minh – Trưởng ban Văn học – Nghệ thuật (VOV6) – Đơn vị đứng ra thực hiện ấn phẩm “Văn Cao – Mùa chữ, mùa người”, di sản thơ ca của nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao cần được lan tỏa và chưa được nhận diện xứng đáng với những đóng góp của ông:

Nhạc sĩ Doãn Nho coi tác giả “Tiến quân ca” là người thầy mãi mãi – Và không chỉ nhìn nhận trong âm nhạc, ông khẳng định tư cách nhà thơ của Văn Cao trong tầm vóc một người nghệ sĩ đa tài.

Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao đã từng phổ nhạc những bài thơ do chính ông sáng tác. Có khi ông giữ nguyên nhan đề như “Thu cô liêu”, có khi đổi tên “Bài thơ bên suối” thành “Suối mơ”. Nhà Phê bình Đỗ Ngọc Yên cho rằng tư chất nhà thơ hiển hiện ngay trong âm nhạc của Văn Cao:

Tài năng và nhân cách – Đó là hai điểm nhìn soi rọi cuộc đời của nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao. Ông có cả thơ họa, thơ nhạc và cả thơ thật là thơ và chỉ là thơ. Mỗi một dòng thơ ghi dấu một quang cảnh tâm hồn của mỗi giai đoạn cuộc đời. Những chặng đường thơ của Văn Cao, theo nhà văn Thiên Sơn đều có những thành tựu riêng:

Trong bài thơ “Không đề”, Văn Cao viết:

Con thuyền đi qua

để lại sóng

Đoàn tàu đi qua

để lại tiếng

Đoàn người đi qua

để lại bóng

Tôi không đi qua tôi

để lại gì?

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từng có những câu cảm bình về bài thơ này như sau: “Có bài thơ tác giả viết, chữ trào ra đầu bút, bụng dạ như sắp phát cuồng. Có bài thơ đến nhanh như một bài thuộc lòng chép sẵn. Có bài thơ như tự nhiên nhặt được. Có bài thơ là sự chiêm nghiệm một đời, sự đau đớn trăn trở một đời, sự ám ảnh một đời. “Không đề” của nhạc sĩ Văn Cao thuộc loại đó chăng?”. Trăn trở cũng là một thứ năng lượng cần có trong sáng tạo. Và dù nhà thơ tự vấn: “Tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” – Theo Nhà Phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, với thơ, Văn Cao đã để lại những sáng tạo “vượt ngưỡng”.

 

Những ngày này, dường như thơ Văn Cao đang trở lại, một cách liền mạch hơn. Những sáng tạo “vượt ngưỡng” trong thơ ông đang được giới thiệu một cách rộng rãi hơn qua sự kết nối của một số đơn vị như Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT TW, báo Nhân dân, Ban Văn học – Nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam). Nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ về ấn phẩm “Văn Cao - Mùa chữ, mùa người” cùng với hội thảo cùng tên do Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) thực hiện đào sâu những cống hiến của người nghệ sĩ tài hoa ở các thi phẩm.

Cũng trong những ngày lặng lẽ nhất trong cuộc đời mình, mùa xuân năm 1972, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao đã viết bài thơ “Giấc mơ” với những câu:

Dưới mái nhà

Một người đang ngủ

Với giấc mơ của những vì sao

Những vì sao đang kể chuyện

Giấc mơ của mái nhà

Giấc mơ của một người đang ngủ.

Đây là một bài thơ lạ thường của Văn Cao, một bài thơ thưa vắng âm thanh, chất chứa những nỗi niềm câm nín. Trong thời khắc lặng lẽ nhất, ta vẫn cảm nhận được nỗi khát khao, những “vượt ngưỡng” trong lành. Đó cũng là những điều ghi dấu trong đời thơ Văn Cao.

Bạch Diệp (Tổng hợp)

Link nội dung: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/van-cao-nguoi-nghe-si-de-lai-dau-an-trong-nhieu-the-he-1856.html