Bìa cuốn sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương. |
Với mong muốn mang đến cho bạn đọc một ấn phẩm nhiều dư ba cảm xúc, Thanh Nguyệt và Quỳnh Liên đã biên soạn cuốn sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2023) tập hợp những đoạn trích hay về cảnh sắc thiên nhiên quê hương, đất nước trong văn chương Việt Nam.
Cuốn sách là tập hợp của 35 đoạn trích tác phẩm, kết hợp với tranh minh họa cho từng nội dung. Trong quá trình biên tập, nhóm biên soạn đã khéo léo lựa chọn, sắp xếp nội dung trích dẫn từ những tác phẩm từng được sử dụng làm ngữ liệu trong sách giáo khoa phổ thông. Đây là những trích dẫn vốn quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả nên xúc cảm thẩm mỹ cũng trở nên gần gũi, đồng điệu hơn. Ngoài ra, nhóm biên soạn đã kỳ công chọn lọc thêm từ nhiều tác phẩm khác để có được một bức tranh đầy đủ, toàn vẹn về cảnh sắc Việt.
Nhắc đến việc tái tạo những cảnh sắc, có lẽ chỉ có văn chương mới mang đến xúc cảm thẩm mỹ thú vị cho độc giả. Nhờ có văn chương, người đọc có khả năng đặt chân đến những nơi xa xôi mà mình chưa từng được tới.
Cầm trên tay Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương, người đọc sẽ thấy mình như đang xuôi trên dòng sông Đà “lặng tờ”, “hoang dại”. Phút chốc, lại thấy mình chìm trong mây mù Sa Pa đang “lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”. Hay có khi, chúng ta đi một mạch đến “biển lá xanh rờn đã bắt đầu ngả sang màu úa, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời” ở nơi Đất rừng phương Nam xa xôi...
Những cảnh vật được tái hiện một cách chân thực qua những đoạn trích được sắp xếp lần lượt theo thứ tự. Nó như một chuyến xe cảnh sắc Việt chạy dọc dài theo dáng hình đất nước. Trên chuyến xe ấy, bạn đọc được tự do chiêm ngưỡng, tận hưởng muôn vàn cảnh sắc cùng ngôn từ nghệ thuật.
Hình dáng, đường nét, màu sắc, mùi vị bỗng chốc sống dậy một cách gần gũi qua những áng văn chương vừa quen vừa lạ. Nhưng dù ở cảm giác nào cũng đều dậy lên một cảm xúc mãnh liệt nằm ngoài lớp vỏ ngôn từ.
Cái đẹp trong văn chương không phải là sự tái tạo mang tính hữu hình như những nét vẽ của nhiều loại hình nghệ thuật khác. Bước vào địa hạt văn chương là bước vào vùng đất của tưởng tượng và sáng tạo. Độc giả có thể thỏa sức ngắm nhìn và hình dung về cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả. Cũng vì thế, tác phẩm văn học luôn đưa độc giả đi xa hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy trực tiếp hàng ngày. Qua đó, bồi dưỡng cho độc giả những thị hiếu thẩm mỹ để đón nhận những sắc màu đa diện của cuộc sống.
Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương được biên soạn với mong muốn tái hiện hành trình đầy đủ, rộng dài của thiên nhiên đất nước. Đó là hành trình mà cảnh sắc đặc trưng của đất nước đã bước vào văn chương qua đôi mắt của những tác giả văn học từ trung đại đến hiện đại. Giờ đây, độc giả có thể tiếp cận, làm sống dậy những cảnh sắc bằng sự tưởng tượng của mình.
Cuốn sách mang đến cho người đọc cảm giác những địa danh, hình sông, dáng núi, áng mây, cây cỏ... đều có hơn một đời sống để chúng ta có thể ngắm nhìn và khám phá. Đó là đời sống thật nơi hiện thực và đời sống bằng tưởng tượng trong văn chương.
Với những giá trị ấy, cuốn sách phù hợp với độc giả nhiều lứa tuổi trong việc tìm đến những cảm xúc đẹp, ấn tượng từ cảnh sắc thiên nhiên. Cuốn sách còn có thể sử dụng dưới vai trò là tài liệu bổ trợ như một gợi ý cho giáo viên và học sinh trong quá trình tiếp cận những áng văn chương đẹp về quê hương, đất nước.
Link nội dung: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/tai-hien-canh-sac-viet-trong-van-chuong-200.html