Tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp của đồng bằng Bắc Bộ, nơi hội tụ những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời cùng những tiềm năng kinh tế to lớn. Ở nơi đó, những người dân cần cù lam lũ, chịu thương, chịu khó, vượt mọi gian khổ, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cũng với mô-típ quen thuộc là thông qua câu chuyện tình yêu đẹp đẽ để thể hiện tình yêu quê hương, "Tình đất phù sa" của Ngọc Lê Ninh kể về hành trình của một đôi trai gái đưa nhau đi thăm những vùng đất thuộc đồng bằng châu thổ “thẳng cánh cò bay”, nơi không chỉ là vựa lúa của cả nước mà còn là cái nôi của nền văn minh lúa nước, nơi hình thành và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
![]() |
Ca khúc "Tình đất phù sa" do NSƯT Bùi Thu Huyền trình bày |
Hành trình đó bắt đầu từ quê hương nhãn, vải, những vùng quê thơm ngát hoa cau, hoa bưởi, hồng trà... Chàng trai quê Hải Phòng cùng cô người yêu bé nhỏ quê Hưng Yên đi xem lễ hội truyền thống hàng năm, lắng trong những khúc dân ca đằm thắm, cùng ngắm những cánh đồng lúa trĩu bông và thưởng thức những đặc sản nức tiếng như nhãn lồng, vải thiều, ổi, hồng, gà Hồ, gà Đông Tảo...
Vùng đất ấy cũng chứa đựng những văn hóa truyền thống lâu đời, với hệ thống di tích, đền, chùa linh thiêng; với các làng nghề truyền thống nổi danh bởi bàn tay của những người thợ gốm sứ, dệt lụa, làm chiếu, đúc đồng...
Trên vùng đất nặng phù sa ấy, những truyền thuyết tình yêu đẹp của Tiên Dung - Chử Đồng Tử hay Tống Trân - Cúc Hoa cũng góp phần vào bức tranh lung linh đẹp đẽ.
Nhạc sĩ đã tài tình khi kể tên đầy đủ không chỉ những sản vật của quê hương mà còn cả những dòng sông Hồng, sông Cầu, sông Chanh, sông Luộc, sông Đuống, sông Thái Bình chảy qua dải đất này và bồi đắp phù sa cho một vùng đồng bằng xanh tốt.
"Ơn người xây đắp non sông trùng trùng", những người con của những vùng quê ấy cũng đang mỗi ngày góp sức để cho “quê hương mình giàu đẹp nở hoa”.
![]() |
Mùa nhãn về trên đất Hưng Yên |
Tác phẩm được cấu trúc với 7 phần chính. Phần intro (mở đầu) với đoạn nhạc dạo mang âm hưởng dân gian pha lẫn hiện đại, nhịp điệu gợi lên không khí vui tươi, hồ hởi.
Tiếp theo là các phiên khúc với lời hát chính, kể câu chuyện về hành trình đến với các miền quê truyền thống của Việt Nam.
Điệp khúc chứa đựng chủ đề chính với giai điệu rộn ràng mà tha thiết "Tự hào thay đất quê chúng ta, quê hương tranh vẽ gốm sứ tơ tằm, dệt chiếu đúc đồng"…
Ở phần chuyển đoạn, nhạc đệm sử dụng nhạc cụ dân tộc độc tấu mang tới sự mới mẻ, dẫn dắt người nghe trở lại đoạn điệp khúc rộn ràng. Đoạn kết với giai điệu, tiết tấu chậm, mờ dần, như một nốt trầm lặng sâu cảm xúc.
Chỉ trong hơn 5 phút, tác phẩm "Tình đất phù sa" đưa người nghe đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi tác giả đã liên tục thay đổi tiết tấu, có lúc rất nhanh và đột ngột chậm lại, tạo nên sự bát ngờ thú vị.
Bên cạnh đó, ca từ mới lạ, độc đáo và giai điệu với âm hưởng dân gian kết hợp với một số giai điệu hiện đại đã thể hiện đặc trưng văn hóa của các miền đồng bằng Bắc Bộ.
![]() |
Làng quê yên bình |
Trên nền bản phối khí của nhạc sỹ Đặng Mạnh Cường (Audio Hồ gươm), chất giọng đậm màu dân ca hiện đại của Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Thu Huyền đã làm nổi bật được tình yêu quê hương với tình đất phù sa, tình người nồng đượm.
Ở đó, ta thấy như tâm hồn người nghệ sỹ đang reo lên giữa khung trời khoáng đạt, nơi những dòng sông chở nặng phù sa, bồi đắp nên những vườn cây trái trĩu quả.
Cũng ở đó, bát canh rau muống với món cà dầm tương như một ký ức quê hương êm đềm, luôn trong nỗi nhớ những người con dù có đi xa chân trời góc bể.
Nhạc sĩ Ngọc Lê Ninh tâm sự: “Tôi là một người rất yêu quê hương đất nước, yêu âm nhạc dân gian. Việc sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca hiện đại của tôi trong những năm gần đây là nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển nền âm nhạc dân gian nước nhà”.
Cũng giống như nhiều ca khúc khác của Ngọc Lê Ninh, "Tình đất phù sa" được nhiều ca sỹ đón nhận và thực hiện thành MV để giới thiệu tới công chúng.
Nghệ sĩ và nhạc sĩ đều mong muốn đây là những món quà ý nghĩa dành tặng người yêu nhạc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Link nội dung: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-tham-dam-trong-tung-not-nhac-2395.html