“Tiến sĩ rác” mê thơ

Trên sân khấu Ngày thơ Việt Nam 2016, nhiều người không khỏi bất ngờ khi TS Lê Ngọc Ninh (bút danh là Ngọc Lê Ninh) xuất hiện trên sân khấu đọc thơ, bởi trước đó anh vốn được biết đến trong vai trò là chuyên gia lĩnh vực kỹ thuật nổ mìn, giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam...

Trên sân khấu Ngày thơ Việt Nam 2016, nhiều người không khỏi bất ngờ khi TS Lê Ngọc Ninh (bút danh là Ngọc Lê Ninh) xuất hiện trên sân khấu đọc thơ, bởi trước đó anh vốn được biết đến trong vai trò là chuyên gia lĩnh vực kỹ thuật nổ mìn, giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam.

2163436594-1679323999.jpg
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh đọc thơ trong ngày thơ Việt Nam 2016 tại Văn Miếu.

Bỏ thơ tìm… rác và mìn!

TS Lê Ngọc Ninh sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình đông con. Bố anh là bộ đội, mẹ là dân công tải đạn trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Ðịa chất năm 1992, chàng sinh viên Lê Ngọc Ninh không sao quên được kỷ niệm đầy ám ảnh với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. “Tôi ra trường, buồn bã nói với anh Hoàng Nhuận Cầm: “Em yêu thơ lắm, nhưng cuộc sống nghèo quá nên em phải dứt áo thơ ra đi, lao vào mưu sinh đời thường thôi anh ạ". Anh Cầm im lặng, mắt xoáy vào khoảng trống. Anh bảo, anh không biết lấy gì tặng tôi, chỉ có cái đồng hồ Poljot của Liên Xô (trước đây) và chiếc xe đạp mi-ni - bấy giờ với anh là một tài sản giá trị - anh đã trao cho tôi hết. Sau này, nhờ chiếc xe ấy mà tôi đi làm thêm gia sư, nuôi em trai ăn học vì lương hợp đồng ngày ấy chỉ khoảng 75.000 đồng/tháng, không đủ sống”, nhà thơ Ngọc Lê Ninh tâm sự.

Được phân công về Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, cách thủ đô Hà Nội gần 40km, TS Lê Ngọc Ninh vẫn đau đáu mong muốn cải tạo... dòng sông Tô Lịch. Cuối tuần, cứ đến chủ nhật anh lại phi xe gắn máy về Hà Nội, cặm cụi đến những đoạn sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng lấy nước đổ vào can rồi chở về Vĩnh Phúc. Vợ anh bấy giờ là giáo viên ngoại ngữ giảng dạy cùng trường với chồng, mỗi lần như thế lắc đầu kêu trời và phải luôn miệng thanh minh với hàng xóm rằng nhà chị không “thải” ra thứ nước đó. Không ít lần vợ chồng “tiến sĩ rác” xích mích vì những can nước “khủng khiếp” vương vãi ra sân nhà, bốc mùi khó chịu khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn, “ăn không ngon, ngủ không yên”. Thêm nữa, tuy hai vợ chồng dạy học cùng trường nhưng hiếm khi người vợ trẻ nhận được đồng lương từ tay chồng. Hỏi đến lương, Lê Ngọc Ninh chỉ cười trừ với lời giải thích muộn màng: “Anh chi cho... nghiên cứu khoa học hết rồi!”.

Hợp chất kabenlis do TS Lê Ngọc Ninh ứng dụng thật sự là liều thuốc làm hồi sinh các dòng nước chết. Quy trình của “tiến sĩ rác” rất đơn giản, giá thành của hợp chất này lại rẻ, chỉ với 500-1.500 đồng/kg. Anh kể, Tết Nguyên đán năm 2009, toàn bộ thị xã Phúc Yên và TP Vĩnh Phúc bị ứ đọng rác thải sinh hoạt. “Nhức tai” bởi những lời kêu cứu từ người dân, anh quyết tâm nghiên cứu hợp chất mới khử mùi và tỏa hương thơm tại các bãi rác thải. “Thế là anh lại “rước rác” về nhà?” - câu hỏi của vợ vang lên ngay bậc cửa khiến Lê Ngọc Ninh sững người, hoang mang trước nỗi phải lo ăn Tết… ngoài đường. Cuối cùng, như bao lần khác, vợ anh đành nhượng bộ, thậm chí còn sốt sắng “chạy tiền” cho chồng nghiên cứu.

Sau thành công của nhiều dự án xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, TS Lê Ngọc Ninh tiếp tục nghiên cứu công nghệ nổ mìn mới nhằm nâng cao hiệu quả phá vỡ đất đá, giảm thiểu chấn động và bụi cho các mỏ hoặc công trình cần phá nổ nằm gần khu dân cư hay công trình cần được bảo vệ. Đề tài này của anh đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ ba, được tỉnh lựa chọn đề cử giải thưởng của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) 2011. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, anh sở hữu nhiều giải thưởng về sáng tạo khoa học như: Giải thưởng VIFOTEC Việt Nam lần thứ 10, Bằng khen của các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ…

Tái sinh, trăn trở với thơ 

Hỏi TS Lê Ngọc Ninh: Công tác chuyên môn đã đủ mệt, giờ còn quay lại với thơ ca làm gì cho “mệt”, anh cười thật hiền: “Thì cái nghiệp mình nó vậy, biết làm sao được”. Bây giờ, mỗi lần nhắc đến “tiến sĩ rác”, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn bâng khuâng hồi tưởng: “Có một ngày, Lê Ngọc Ninh đột ngột xuất hiện trước mặt tôi và cho biết anh vừa đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đài chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị về, đã có khả năng in một tập thơ với tựa đề “Vỡ cùng hy vọng” và lấy bút danh là Ngọc Lê Ninh. Tôi có chút ngỡ ngàng đan xen với niềm vui và cảm động vô cùng”. 

Mỗi khi Ngọc Lê Ninh đọc thơ, dù trên sân khấu hay bất cứ nơi đâu, anh như thành con người khác. Giọng đọc sâu lắng, âm vang cộng với thần thái biểu cảm của anh có sức hút lạ lùng, đủ biến không gian xung quanh thành một “cõi thiêng” cho thơ ca. Nghe Ngọc Lê Ninh đọc thơ mới biết anh đắm đuối với chữ nghĩa biết nhường nào: Sụt sùi sương khóc đẫm đồng/ Chiều rơi quả nhớ trên dòng sông thơ. Thơ của nhà thơ Ngọc Lê Ninh có nhiều hình ảnh, thanh âm lay động lòng người, nhất là những ai luôn đau đáu với vùng ký ức đã qua. Từ bao mối tình tuổi học trò trong trẻo, xa xăm: Anh lời thề theo con gió chạy mau/ Em vẫn cháy niềm tin thời con gái/ Nghe khúc hát bên kia trời vọng lại/ Chiều run run một chiếc lá xa cành... cho đến nỗi nhớ quê da diết: Nghe tiếng cuốc giục chiều rơi mê mải/ Nghe bước chân cò làm vỡ ánh hoàng hôn… tất cả đều phác nên một tâm hồn thi sĩ đầy nhạy cảm.

Mỗi người cầm bút đến với thơ ca bằng nhiều cách khác nhau nhưng sự thật thà đến rút lời gan ruột của Ngọc Lê Ninh luôn mang đến niềm cảm động. Cuộc tái sinh với thơ ca là cái cớ để “tiến sĩ rác” trút bỏ những nỗi niềm bấy lâu dồn nén trong lòng. Ngay đến tựa đề “Vỡ cùng hy vọng” anh chọn cho tập thơ đầu tay được thai nghén bản thảo suốt 24 năm qua cũng chất chứa bao hàm ý báo hiệu cuộc trở lại đầy tín hiệu vui của một người từng làm thơ từ thuở sinh viên, đồng hành với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong nhiều cuộc giao lưu thơ nhạc với sinh viên các trường đại học từ những năm 1980- 1990. Nhà thơ Ngọc Lê Ninh ý thức rõ “Cơm áo không đùa với khách thơ” bao nhiêu thì cũng khát khao được trở lại với niềm đam mê đầy day dứt này bấy nhiêu. 30 bài thơ trong tập thơ “Vỡ cùng hy vọng” phần nào khái quát nên một chân dung đứa con ruộng đồng tha hương nơi phố thị với lối quan sát đầy tinh tế, ẩn dụ của một tâm hồn thơ mãnh liệt hòa quyện với sự tỉnh táo, sắc bén của người làm khoa học và đương nhiên, đủ để bạn đọc cùng suy ngẫm và hy vọng!

THÙY PHƯƠNG

Link nội dung: https://vanhocnghethuatquoctevietnam.vn/tien-si-rac-me-tho-28.html