GIỚI THIỆU TÁC GIẢ MỚI: Nhà văn Lê Hoài Nam

Ninh thẩm định

Câu chuyện văn chương xoay quanh cuộc sống của nhà văn luôn hấp dẫn với mọi người, đặc biệt là những độc giả yêu văn học và muốn sống trọn vẹn với văn học. Lê Hoài Nam một trong những nhà văn quân đội xuất sắc của Văn học Việt Nam hiện đại đã có những cống hiến và đóng góp cho văn học nước nhà, nhân một buổi chiều thảnh thơi sau những giờ làm việc căng thẳng, nhà văn Lê Hoài Nam đã có cuộc trò chuyện đáng tin cậy với độc giả yêu văn chương, cuộc phỏng vấn bàn sâu về những vấn đề văn học để người đọc có được cái nhìn đa chiều, sâu sắc về văn chương.

-Phóng viên: Nhà văn hãy cho biết mục tiêu, tôn chỉ của nhà văn khi quyết định cầm bút?

NV Lê Hoài Nam: Tôi đến với văn học một cách rất tự nhiên. Khi ấy tôi là một người chiến sĩ quân đội nhân dân thời chiến tranh rất. Tôi chứng kiến và trải qua những chuyện diễn ra trong cuộc đời mình và đồng đội mình, thấy có thể viết thành tác phẩm văn học, vậy là tôi cầm bút viết. Tôn chỉ hay mục tiêu cũng rất giản dị: viết cho công chúng đọc, hy vọng những điều mình viết mang lại một giá trị nào đó về tinh thần, được họ đồng tình.

- Phóng viên: Trong quá trình làm việc tại quân đội và khi cầm bút nhà văn đã đúc kết những kinh nghiệm nào để bồi đắp thêm tài năng của mình, điều khó khăn của nhà văn khi đến với văn chương là gì?

NV Lê Hoài Nam: Ngày tôi bắt đầu cầm bút hầu như mọi người dân nước Việt đều có một mối quan tâm lớn, nếu không muốn nói là duy nhất, đó là cuộc chiến với đế quốc Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào và sẽ kết thúc ra sao. Những người vợ, người mẹ tiễn chồng, tiễn con ra chiến trường sẽ đối đầu với quân xâm lược ra sao vv. Hồi ấy, ngòi bút của tôi còn non yếu, tôi chỉ mới chỉ viết được những ghi chép, bút ký, nhưng tôi cũng đã có đọc một vài kinh nghiệm sáng tác văn chương của một số nhà văn nổi tiếng. Lep Tôxtoi cũng từng là một sĩ quan trẻ trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Ngay khi đang cầm súng ông cũng không viết được gì đáng kể. Nhưng ông rất chịu khó ghi chép. Nhiều năm sau, khi ngòi bút đã trưởng thành, ông mới đưa những những gì mình ghi chép ra viết thành cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Chiến tranh và hòa bình” và một số tác phẩm khác nữa. Tôi cũng bắt chước ông, ghi chép tất cả những gì mình thấy tâm đắc, vài chục năm sau tôi mới dựa vào cuốn sổ ấy viết một loạt truyện ngắn và một phần cuốn tiểu thuyết “Hạc hồng” (Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam 2016 - 2020). Đặc biệt là cuốn tiểu thuyết đang in sắp xong có tên là “Khắc tinh của thần chết” dầy hơn 400 trang dựa vào tư liệu trong cuốn nhật ký của tôi và dựa vào một phần cuốn nhật ký của trung úy Phạm Hữu Thậm, người mà tôi rất yêu quý. Những cuộc “bút chiến” giữa các nhà văn và các phóng viên trên mạng xã hội gần đây tôi cho là cái điều phải đến, nó thay thế cho những gì mà báo chí nhà nước không làm nổi, nó như một quá trình tập dượt đến tiến đến một xã hội dân chủ thực sự. Chỉ có điều, do bị ức chế, kìm nén nên khi tranh luận một số người thiếu kiềm chế, thiếu đi cái văn hóa tranh luận cần có.

a-1699597691.jpg

Nhà văn Lê Hoài Nam.

-Phóng viên: Điều nhà văn cảm thấy tâm đắc nhất khi viết văn là gì? Trong suốt quá trình theo đuổi văn chương điều nhà văn cảm thấy trăn trở nhất với văn học là gì? Có khi nào nhà văn nghĩ mình sẽ chỉ dâng hiến trí tuệ cho văn chương mà không phải cho một ngành nghề khác?

NV Lê Hoài Nam: Người ta thường nói, một trong những niềm hạnh phúc lớn của đời một con người là được làm công việc mình thích. Tôi thích nhất công việc viết văn, vì thế tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để thăng tiến quyền lực hoặc giầu có về tiền bạc, để viết văn. Và tôi đã có được niềm hạnh phúc, đó là được viết những điều mà mình cho rằng nó rất quan thiết với xã hội, với con người và với chính mình. Điều mà tôi cảm thấy trăn trở nhất với văn học ấy là những điều muốn viết nhất lại không viết được hoặc viết nửa vời và tệ hại hơn cả là viết trái với suy nghĩ của mình. Cho đến nay, tôi đã từng kinh qua nhiều môi trường, từng làm nhiều việc, nhưng quả thực, tôi coi viết văn là nghề phù hợp với tôi nhất. Chu dù có hiến thân cho nó tôi cũng sẽ không hề ân hận.

- Phóng viên: Điều nhà văn né tránh khi cầm bút là gì? Điều gì tạo nên sức mạnh cho nhà văn để viết nên sự thật, điều khiến nhà văn cảm thấy gò bó trong quá trình hành nghề là gì?

NV Lê Hoài Nam: Trước đây khi mới cầm bút, tôi cũng từng né tránh nhiều điều khi viết. Nhưng khi đất nước bắt đầu mở của hòa nhập dần với thế giới cũng là khi ngòi bút của tôi đã trưởng thành thì hầu như tôi không né tránh điều gì, chỉ có điều viết như thế nào để bạn đọc tiếp nhận được mà thôi. Những điều mình viết dù “gai góc”, “nguy hiểm” đến thế nào mà đa số bạn đọc chấp nhận thì đó chính là bạn đọc gián tiếp tạo ra sức mạnh cho tôi viết nên sự thật.

-Độc giả: Trong quá trình viết văn nhà văn muốn sống một cuộc đời như thế nào? Điều gì khiến nhà văn cảm thấy là động lực để có thể tạo nên những cuốn sách văn chương để đời?

NV Lê Hoài Nam: Tôi đã sống và viết qua nhiều thời kì với nhiều biến động. Từ cuộc chiến tranh với Mỹ, sang hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và Phía Bắc, bước ra khỏi cuộc chiến là gặp ngay cuối thời bao cấp với rất nhiều khó khăn. Sau đó chứng kiến đất nước từng bước phát triển, từ một đất nước bị bao vây cấm vận, thiếu thốn trăm bề trở thành một đất nước đang phát triển, cất cánh mạnh mẽ. Tôi không bao giờ có ý nghĩ như một số người cho rằng, nhà văn phải khổ hạnh viết mới hay, ý nghĩ đó có thể chấp nhận được khi mà xã hội mà đa số người dân còn chìm trong đói khát (Nhà văn Nam Cao viết trong không gian xã hội đó), nhưng khi đã bước sang thời hiện đại mà một nhà văn sống nghèo khổ quá dễ sinh ra tâm lý dị mọ, văn chương tiểu khí, viết hay là rất khó. Nhưng tôi cũng không bao giờ chịu hy sinh văn chương để thăng tiến quyền lực hay làm giầu. Tôi chỉ mong cuộc sống của tôi vừa đủ để tôi nuôi cảm hứng sáng tác. Còn mong muốn có tác phẩm văn chương để đời ư? Không hề là điều dễ dàng. Nhưng không thể không nuôi dưỡng ước mơ suốt đời cầm bút.

- Phóng viên: Sự thật văn chương và sự thật cuộc sống có khác nhiều không, và có những sự thật bất ngờ khiến nhà văn cảm thấy sốc khi bắt buộc phải cầm bút viết không, liệu khi viết nên những sự thật đó nhà văn có cảm thấy bị nguy hiểm rình rập, hay bị dư luận đe dọa hay không?

NV Lê Hoài Nam: Tôi viết văn theo khuynh hướng bám sát hiện thực xã hội để chưng cất, khái quát, thăng hoa thành tác phẩm, vì thế hầu như không có hiện thực nào diễn ra ở tầm gần cũng như tầm xa tôi mà tôi bỏ qua. Cũng có những hiện thực rất khó viết hoặc không thể viết ra được, bởi nếu viết, sẽ phải viết bằng cái giọng tận cùng khinh bạc. Các cụ trong gia tộc tôi từng dạy “Văn chương bất tác khinh bạc ngữ”. Nghĩa là văn chương mà khinh bạc con người thì không thành tác phẩm. Còn nếu hiện thực đó mà có thể viết thành tác phẩm văn chương thì dao kề cổ tôi vẫn viết.

- Phóng viên: Ở trên ông có nhắc đến cuốn tiểu thuyết của ông sắp phát hành có tên là “Khắc tinh của thần chết”. Nhà văn có thể nói đôi lời về tác phẩm này được không?

NV Lê Hoài Nam: Tự nói về tác phẩm của mình không phải là điều mà tôi muốn. Nhưng trong cái bầu khí quyển mà công chúng cứ xa lạ dần với văn chương như ở nước ta, người viết phê bình đôi khi cũng thiếu khách quan, thì trong chừng mực nào đó mình cũng phải tự nói đôi điều về tác phẩm của mình. “Khắc tinh của thần chết” là tiểu thuyết mà tôi viết nó rất khó khăn, nhọc nhằn, hao tổn nhiều công sức, nhưng cũng tràn đầy cảm xúc, bởi cũng là đề tài chiến tranh nhưng tôi không muốn nó “nhai lại” những gì người ta đã viết. Tôi viết nó chỉ bằng nguồn tư liệu của tôi và một phần của tư liệu của cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm ghi chép lại. Có rất nhiều tình tiết, chi tiết độc đáo, mới mẻ và điển hình. Cuốn tiểu thuyết ở tầm vóc nào thì xin để bạn đọc và thời gian phán xét; riêng điều này thì tôi có thể khẳng định được: chỉ cầm đọc khoảng 10 trang đầu bạn đã không thể không đọc những trang tiếp theo.

Xin chân thành cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện lý thú này!

Hoàng Bạch Diệp