Huy Cận – Nhà thơ hoài cổ những miền xa xăm...

Ninh thẩm định

Trong số những nhà thơ Mới, Huy Cận là nhà thơ nổi bật với phong cách thơ cổ điển để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Một trong những bài thơ thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của tác giả đó chính là bài thơ Tràng giang, được in trong tập Lửa thiêng – một tập thơ khẳng định tài năng của nhà thơ Huy Cận. Bài thơ được sáng tác vào năm 1939 cảm xúc được khơi gợi từ cảnh sông nước mênh mang.

Mở đầu bài thơ tác giả viết câu đề từ: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài, câu đề từ đã thể hiện được sự nhỏ bé của con người trước vũ trụ, vạn vật. Nhan đề của bài thơ là tràng giang lặp lại âm ang thể hiện sự rộng lớn của không gian. Lặp lại âm ang tác giả như muốn nhấn mạnh nỗi buồn kéo dài triền miên không dứt. Khổ thơ thứ nhất, tác gỉa viết: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng, các từ láy điệp điệp, song song diễn tả nỗi buồn không dứt kéo dài làm xao động lòng người, nghệ thuật đối ý và đối xứng vừa làm cho giọng điệu bài thơ uyển chuyển, linh hoạt, tránh được sự khuôn sáo, cứng nhắc vừa tạo nên không khí trang trọng, sự cân xứng, nhịp nhàng. Các hình ảnh được tác giả sử dụng giản dị và gần gũi: Con thuyền, củi một cảnh khô, hình ảnh củi một cành khô là một hình ảnh bình dị, giản đơn, nó mang ý nghĩa biểu hiện sự trôi nổi, lênh đênh của một kiếp người.

Tác giả cảm thấy hoang mang, vô định trước cuộc đời vô cùng rộng lớn. Đây là hình ảnh đời thường, bình dị đã được nhà thơ lựa chọn để đưa vào tác phẩm, thơ Đường thường lựa chọn những hình ảnh cao quý như tùng, cúc, trúc mai nhưng Huy Cận lại dùng hình ảnh đơn giản để truyền tải thông điệp của cuộc sống kết hợp với thể thơ thất ngôn bát cú, tác giả dường như đã phá vỡ nguyên tắc trong việc sử dụng và lựa chọn hình ảnh trong thơ, tạo nên cảm giác độc đáo mới mẻ cho người đọc. Khổ thơ tiếp theo tác giả viết: Lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu, đây là một trong những khổ thơ thể hiện sự cô đơn đến cùng cực của tác giả, nhà thơ đã sử dụng các từ ngữ lơ thơ, đìu hiu đặc tả nỗi cô đơn đang bủa vây, bao trùm, xung quang không gian vắng lặng ấy từ xa vang lên tiếng chợ chiều phá tan sự im ắng, hiu quạnh của đời sống con người. Không gian như cao thêm như dài rộng thêm bởi Nắng xuống trời lên sâu chót vót /Sông dài trời rộng bến cô liêu. Không gian được mở rộng và đẩy cao thêm. Sâu gợi được ở người đọc ấn tượng thăm thẳm, hun hút khôn cùng. Chót vót khắc họa được chiều cao dường như vô tận. Càng rộng, càng sâu, càng cao thì cảnh vật càng thêm vắng lặng, chỉ có sông dài, với bờ bến lẻ loi, xa vắng (cô liêu).

hanoimoicomvn-uploads-images-phananh-2021-07-01-huycan-1726933541.jpg

Nhà thơ Huy Cận

Nỗi buồn tựa hồ như thấm vào không gian ba chiều. Bao nhiêu chi tiết mới được đưa vào lời thơ cũng không đủ để làm cho cảnh vật sống động hơn mà càng khiến nó chìm sâu vào tĩnh lặng, cô đơn, hiu quạnh. Có lẽ bởi tác giả quá yêu cuộc sống này nên ông mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc nỗi cô đơn đến cùng cực, khiến con người ta cảm thấy hãi hùng, ta có thể liên tưởng đến những câu thơ của Chế Lan Viên trong những năm tháng tác giả sống trong cô đơn, rợn ngợp: Hãy cho tôi một tinh cầu lạnh giá/ Một vì sao trơ trọi tới trời xa. Cảm xúc chung của những nhà thơ Mới khi đứng trước sự đổi thay của cuộc đời đó là sự hoang mang, cô đơn vô tận, các tác giả không biết đi đâu về đâu giữa cuộc đời đầy biến đổi và đầy trắc trở này, tất cả những nỗi nhớ ấy các tác giả đành để vào trong những vần thơ câu chữ nhằm bày tỏ xúc cảm đến người đọc.

Khổ thơ tiếp theo nối tiếp những mạch cảm xúc của tác giả: Bèo dạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng. Đây là một bài thơ thể rõ sức sáng tạo của Huy Cận khi tác giả đã lồng ghép vào đó những hình ảnh bình dị, giản đơn hình ảnh bèo được sử dụng diễn tả nỗi bấp bênh của những kiếp người trong cuộc sống hay tác giả đang tự nói đến chính mình cũng đang băn khoăn trăn trở giữa những ngã rẽ cuộc đời như những câu thơ sau: Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để dòng trôi. Ấn tượng về sự chia li tan tác (từ khổ thơ đầu) được láy lại một lần nữa ở khổ thơ này càng gợi thêm về một nỗi buồn mênh mông. Toàn cảnh sông dài, trời rộng tuyệt nhiên không có bóng dáng con người. Không một chuyến đò và cũng không có lấy một cây cầu, nhờ chúng có thể tạo nên sự gần gũi giữa con người với con người; mà chỉ có thiên nhiên (bờ xanh) với thiên nhiên (bãi vàng) xa vắng, hoang vu. Vì thế, nỗi buồn ở bài thơ này không chỉ là nỗi buồn mênh mông trước trời rộng, sông dài mà còn là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn trước cuộc đời. Khổ thơ cuối cùng tác giả viết: Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa/ Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Một khung cảnh rộng lớn, hùng vĩ mở ra trước mặt độc giả, một bức trang hoành tráng của buổi chiều tàn đã phản ánh nỗi cô đơn của chính tác giả, bức tranh được vẽ bởi những tầng mây cao rộng bởi hình ảnh cánh chim bay mỏi mệt giữa chiều tàn, cánh chim ấy hay chính là nỗi lòng của tác giả đang cảm thấy bế tắc, mệt mỏi giữa cuộc đời còn nhiều bất công nhiều xô bồ. Cánh chim này khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh con chim bay mệt mỏi trong những câu thơ của bà huyện Thanh Quan: Chim hôm thoi thóp về rừng, đó là hình ảnh thật đáng thương phản ánh đúng tâm trạng của tác giả. Trước cảnh sông nước, mây trời bao la và hùng vĩ ấy, bỗng hiện lên một cánh chim bé bỏng, nó chỉ cần nghiêng cánh là cả bóng chiều sa xuống. Hình ảnh cánh chiều đơn lẻ trong buổi chiều tà thường dễ gợi buồn xa vắng. Nghệ thuật đối lập: giữa cánh chim đơn độc, nhỏ bé với vũ trụ bao la, hùng vĩ làm cho cảnh thiên nhiên rộng hơn, thoáng hơn, hùng vĩ hơn và buồn hơn, đồng thời qua thơ văn tác giả bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, không khỏi hoàng hôn cũng nhớ, Thôi Hiệu đã từng nhớ quê hương với hình ảnh khói sóng: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai, còn Huy Cận – nhà thơ mới của chúng ta có nỗi nhớ da diết hơn cao hơn tác giả Thôi Hiệu. Huy Cận mượn lại tứ thơ của Thôi Hiệu nhưng cách nói của Huy Cận mới hơn so với Thôi Hiệu. Thôi Hiệu nhìn khói sóng nhớ đến quê hương, Huy Cận không cần có khói sóng - tức là không cần ngoại cảnh tác động - mà lòng vẫn dợn dợn nhớ nhà. Điều đó chứng tỏ tình cảm này luôn thường trực trong lòng Huy Cận. Với bài thơ Tràng giang, Huy Cận đã khẳng định tài năng và tên tuổi của mình trong lĩnh vực thơ ca. Nhà thơ đã bày tỏ thầm kín tình yêu quê hương đất nước ẩn đàng sau đó là nỗi buồn sâu sắc của người trí thức muốn giúp đời cứu nước nhưng bất lực và có những ràng buộc nhất đinh. Từ bài thơ chúng ta rút ra những bài học quý giá cho chính bản thân mình đó là phải kiên định, vững vàng trước những nhọc nhằn bất công trước cuộc sống và luôn phải nỗ lực cố gắng bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Bài thơ đã có những nét nổi bật về nội dung và nghệ thuật bài thơ thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hoà nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả, đồng thời qua đó chính tác giả đã có sự kết hợp hài hoà giữa sắc thái cổ điển và hiện đại (sự xuất hiện của những cái tưởng như tầm thường, vô nghĩa và cảm xúc buồn mang dấu ấn cái "tôi" cá nhân...) cùng với đó là nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.

HOÀNG BẠCH DIỆP