Nguyễn Lãm Thắng – Nhà thơ của cội nguồn tuổi trẻ

Ninh thẩm định

Trong không khí khẩn trương của những ngày cuối năm, thạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã có buổi trò chuyện thân tình cùng phóng viên bàn về chuyện nghề và chuyện đời. Câu chuyện của nhà thơ khiến bao người suy ngẫm và rút ra nhiều bài học quý báu cho mỗi cá nhân. Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng hiện tại đang là giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Huế ngày đêm miệt mài cống hiến xây dựng thế hệ các nhà giáo tương lai cho đất nước.

Một vài thông tin về nhà thơ, thạc sĩ Nguyễn Lãm Thắng:

Nguyễn Lãm Thắng (1973-) vừa là bút danh vừa là tên thật, ngoài ra còn có các bút danh danh khác là Lãm Thắng, Lam Thuỵ và các bút danh viết cho thiếu nhi: Nguyễn Trần Bảo Nghi, Du Lãm, Nguyễn Trần Nhật Quang... Sinh ngày 14 - 8 - 1973 (Quý Sửu), quê tại làng Tịnh Đông Tây, Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam. Thạc sĩ Hán Nôm 2011. NCS Ngôn ngữ học. Hiện là giảng viên Văn hóa, Ngôn ngữ và Hán Nôm, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế.

a1-1703650471.jpg
 

Giải thưởng:

- Giải thưởng báo Mực Tím (Gửi tới yêu thương) năm 2003.

- Giải thưởng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế 2007.

- Giải thưởng tác phẩm xuất sắc nhất trong năm của Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế 2012 và 2020

Có thơ đăng ở nhiều tạp chí trung ương và địa phương.

Góp mặt trong nhiều thi tuyển.

Tác phẩm đã in:

- Điệp ngữ tình (thơ) NXB Hội Nhà văn, 2007

- Giấc mơ buổi sáng (333 bài thơ thiếu nhi) NXB Đại học Huế 2012

- Họng đêm (175 bài thơ tự do) NXB Văn học 2012

- Đầu non cuối bãi (54 bài thơ lục bát), NXB Đại học Huế, 2014

- Giấc mơ buổi sáng (tái bản) (345 bài thơ thiếu nhi) NXB Văn học (liên kết với Nhà sách Minh Long), 2016.

- Thương hoài thương huỷ (NXB Đại học Huế 2019)

a2-1703650479.jpg
 

Sắp in:

- Mùa xuân em yêu (tập thơ thiếu nhi)

- Quà cho em bé (tập truyện thiếu nhi)

- Hán thi tuyển dịch

Phóng viên: Xin chào nhà thơ, rất vui được gặp nhà thơ vào những ngày cuối đông như thế này, xin nhà thơ cho biết động lực nào để nhà thơ có thể sáng tác ra những thi phẩm lưu dấu mãi cùng thời gian ạ?

Nguyễn Lãm Thắng (NLT): Tôi viết như một nhu cầu tất yếu của bản thân. Viết như hơi thở của mình. Còn thở thì còn viết. Khi nào có “tứ” thì tôi ghi chép lại. Rồi quên thôi. Điện thoại hoặc máy vi tính là dụng cụ để kết nối với mạng điện tử - bộ nhớ của tôi. Mất là tôi không tìm lại được. Và tôi đã mất rất thơ nhiều khi Facebook bị hack. Tôi viết nhiều thể loại. Sau khi tốt nghiệp trung học là những chuyến đi. Làm thuê có, bốc vác có, gia sư có… Rồi đi học tiếp. Những va chạm của cuộc sống và sự nhạy cảm của tâm hồn luôn đưa tôi về với ký ức tuổi thơ, với gia đình, bè bạn, với xứ sở mình đã sinh ra và lớn lên, cứ thế, những bài thơ được ra đời. Còn “lưu dấu mãi với thời gian” hay không, thì tôi tuyệt đối không có quyền, không dám nghĩ tới. Bởi vì, tôi viết như là đang tự đối thoại với chính mình. Tôi viết cho tôi trước.

a3-1703650487.jpg
 

Phóng viên: Trong quá trình sáng tác nhà thơ có gặp nhiều khó khăn trong việc tìm cảm hứng và đề tài không? Với những kinh nghiệm nhà thơ có trong lĩnh vực của mình xin nhà thơ chia sẻ cách chọn lựa đề tài và những ý tưởng thơ ca từ đề tài đó ạ?

NLT: Như trên đã nói, những va chạm, trải nghiệm từ cuộc sống đời thường đối với tôi đã là những tứ thơ. Tôi cho rằng, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đều hoài thai từ cuộc sống. Thơ đến với tôi rất tự nhiên, không hề bị gò bó và ràng buộc. Vì vậy, tôi không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc tìm cảm hứng và đề tài. Thực sự, đề tài và các ý tưởng đến với tôi hết sức tự nhiên, nhiều khi nó như một mạch nguồn sẵn có, chỉ cần tôi chạm vào thế giới đó, thơ tự khắc bung tỏa tràn trề vậy. Hẳn là tôi nặng nợ với thơ, dù vô tình hay hữu ý. Đối với tôi, thơ là những gam màu luôn luôn sinh động, chuyển biến từ muôn vàn sắc thái kỳ diệu trong sự tồn tại hữu thể của thế giới này. Thơ từ đó sinh ra. Và có lẽ, tôi cũng từ đó mà được sinh ra lần nữa cùng với thơ.

Phóng viên : Cạnh tranh trong văn học là điều không thể tránh khỏi, xin nhà thơ cho biết trong thơ ca các nhà thơ đã cạnh tranh với nhau như thế nào và hiệu ứng tích cực mà nó mang đến ra sao ạ?

NLT: Tôi nghĩ rằng, cạnh tranh là một “khái niệm” rất thú vị, nhưng trong môi trường của thơ ca - nghệ thuật, khái niệm này có lẽ nên hiểu theo một cách khác. Thơ ca vốn dĩ là một bản hòa âm riêng của mỗi con người, mỗi thi sĩ. Bởi vì, như Soren Kierkegaard từng chia sẻ khi tự vấn: “Thi sĩ là gì?” để rồi sau đó ông tự trả lời, thi sĩ là “Một con người bất hạnh giấu nỗi đau khổ sâu sắc trong tim, nhưng đôi môi đẹp tới mức khi tiếng thở dài và tiếng khóc đi qua, chúng nghe như âm nhạc du dương...”. Tôi chỉ cần là một nhà thơ, một con người thơ góp một tiếng hát đẹp giữa khu vườn thơ cùng với những thi sĩ khác.

Phóng viên: Sau khi cho ra đời một tập thơ - đứa con tinh thần của mình, điều nhà thơ muốn gửi gắm nhất đến độc giả là gì? Xa xôi hơn trong tương lai nhà thơ muốn đứa con đó sẽ hiện diện như thế nào qua sự sàng lọc của thời gian?

a4-1703650495.jpg
 

NLT: Những người làm công việc sáng tạo như tôi, mỗi lần cho ra đời một tác phẩm là một niềm hạnh phúc vô biên. Và bởi vậy, tôi cũng như những người viết khác rất cần đến sự đồng cảm của độc giả. Dù sao đi nữa, sản phẩm tinh thần nếu thiếu độc giả thì thực sự nó sẽ trở nên vô nghĩa. Điều mà tôi mong muốn cũng đơn giản thôi, chỉ cần được độc giả đón nhận khi một đứa con tinh thần của mình ra đời. Tôi không dám nghĩ đến điều gì đó xa xôi trong tương lai, trong cõi hữu hạn này. Tôi vẫn cứ viết, cứ làm công việc được thượng đế trao ban như một đặc ân. Sản phẩm của tôi, những đứa con tinh thần của tôi hãy để thời gian tự sàng lọc và tự trả lời. Trong tương lai, nếu có những ấn phẩm mới, tôi mong muốn “chúng nó” được trang bị đầy đủ “dưỡng chất” hơn từ khi thai nghén cho đến khi chào đời.

Phóng viên: Có khi nào nhà thơ cảm thấy công việc sáng tác mệt mỏi và khó khăn khi phải viết chiều lòng độc giả và chạy theo thị hiếu của bạn đọc, nhà thơ làm cách nào để tìm ra phong cách của mình và đứng vững trong nền nghệ thuật nước nhà.

NLT: Tôi ít khi chiều lòng độc giả, mà tự chiều lòng mình thì đúng hơn. Thơ ca thật khó để nói đến việc chạy theo thị hiếu của bạn đọc, bởi lẽ, thơ không phải là một thứ hàng hóa mang tính thời trang. Tôi viết như một nhu cầu tất yếu của bản thân, vì thế tôi chưa bao giờ có cảm giác mệt mỏi và gặp bất cứ khó khăn nào trong cuộc đồng hành với thơ. Con đường sáng tạo luôn luôn cô độc. Tôi không thích “đẽo cày giữa đường”, nhưng tôi sẵn sàng tự mình chinh phục đỉnh núi của thơ ca, cũng là đang tự chinh phục chính tâm hồn của mình. Cách để tôi đứng vững với thơ, tôi nghĩ tôi chỉ cần là chính tôi trên con đường ấy.

Phóng viên: Theo nhà thơ độc giả có vai trò như thế nào đối với nền thơ ca nói riêng và nền nghệ thuật nói chung? Nhà thơ có khi nào rơi vào trường hợp bản thân sáng tác rất tốt những lại không được đón nhận mà còn bị xua đuổi và hắt hủi, trong trường hợp đó nhà thơ tìm cách nào để hóa giải sự hiểu nhầm như vậy?

NLT: Theo tôi, độc giả thực sự có vai trò rất quan trọng, cùng với sự diễn tiến của thời gian, chính họ là người trực tiếp sàng lọc những tác phẩm sáng tạo nói chung trong nền thơ ca nói riêng của người viết. Câu hỏi này thật là làm khó tôi. Khen chê là trạng thái bình thường của độc giả. Hợp ý hợp tình họ đón nhận tác phẩm sáng tạo ấy, nếu không thì thôi, chứ “hắt hủi” chắc là tôi không nghĩ đến. Điều mà tôi mừng là tôi nhận được khá nhiều sự tương cảm của người đọc trong thế giới thơ của mình. Tôi nghĩ rằng, giới hạn của sự đúng và sai, quen và lạ… còn phụ thuộc vào cảm quan của từng người khi nhận định về tác phẩm.

Phóng viên: Nhà thơ cho biết con đường sáng tác thơ ca của nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ trường phái thơ ca nào? Và trường phái đó đã tác động như thế nào đến sự nghiệp cầm bút của nhà thơ sau này? Con đường tư tưởng nhà thơ đã lựa chọn có gặp phải nhiều khó khăn và thử thách xin nhà thơ chia sẻ một số khó khăn và cách hóa giải khó khăn đó?

NLT: Tôi không nghĩ là mình theo trường phái thơ ca nào cả. Tôi viết với tâm thế của một con chim thích cất tiếng hót trong khu vườn thơ. Tôi không bị gò bó trong lối viết, tôi viết ở nhiều thể loại, chỉ cần tôi cảm thấy mình có thể chơi cuộc chơi ấy được. Và tôi lại phải mượn lời tiếp của Soren Kierkegaard thêm lần nữa, rằng, “người ta xúm lại quanh thi sĩ và bảo: Hãy hát tiếp đi” - hay nói theo cách khác, “Mong những nỗi đau khổ mới hành hạ tâm hồn anh nhưng đôi môi anh vẫn đẹp đẽ như trước, bởi tiếng khóc sẽ chỉ làm chúng tôi hoảng sợ, nhưng âm nhạc thì lại rất hay.”

Phóng viên: Điều nhà thơ mong đợi nhất từ độc giả trong các tập thơ của mình là gì? Các bạn đọc thơ say mê thơ của ông khá nhiều, xin hãy chia sẻ niềm vui đó?

NTL: Tôi coi thơ là nơi mình gửi gắm những suy tư chiêm nghiệm về cuộc sống. Thơ phản chiếu kinh nghiệm và trải nghiệm sống của tôi. Tôi gửi gắm một góc nhìn nho nhỏ về cuộc đời của tôi trong thơ ca. Vậy nên, lẽ dĩ nhiên, tôi mong chờ độc giả sẽ cảm nghiệm thơ của mình giống như đang chạm vào suy tư của tôi. Thực lòng tôi cũng không rõ độc giả yêu mến mình vì nguyên cớ gì. Lẽ nào là chất trong trẻo và hồn nhiên của câu chữ. Họ hay nói chúng lắt lẻo véo von. Tôi thì nghĩ, chắc họ dành cho mình sự yêu mến ấy, phải chăng, vì chính con người mình. Dẫu có lúc cuộc đời ngả màu đục, tắt mất dòng trong, tôi vẫn tin mình đã vui vẻ và chân thành sống.

Phóng viên: Sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây ngày càng nhiều, nhà thơ đã làm điều gì để cân bằng sự giao thoa đó, và ông đã đưa vào thơ mình sự cân bằng đó như thế nào? Nếu vấp phải thị hiếu mạnh mẽ của độc giả với nhiều vần thơ lạ hóa thì phản ứng của nhà thơ là gì và cách giải quyết?

NLT: Tôi không nghĩ thơ cần sự cân bằng. Thực ra thế nào là chênh vênh, thế nào là nghiêng ngả trong thơ tôi cũng không dành nhiều tâm tư. Đối với tôi thơ ca chính là nơi giúp tôi tìm được sự cân bằng trong cuộc sống, mỗi khi mình muốn giãi bày một chút tâm tư gì đấy. Tôi nghĩ độc giả không đi tìm sự bình lặng hay “cân bằng” của thơ, mà tôi tin, họ tìm tới thơ bởi sự giao thoa của cảm xúc. Nếu độc giả có thị hiếu mạnh mẽ, theo tôi hiểu là họ mong muốn những vần thơ trúc trắc, những vần thơ đòi hỏi phải dụng công như trong các câu đối chữ, thì tôi cũng rất vui lòng chia sẻ. Nếu có một cách giải quyết nào đó hợp lý thì tôi nghĩ, đó là sau mỗi câu thơ trúc trắc hay cân bằng, mỗi câu thơ mà chữ nghĩa đánh võng hay du dương, cái mà người ta tìm tới thơ, rốt cuộc phải chăng là ở sự đồng cảm của tư tưởng, sự tương liên của tâm tình? Vậy nên, vẻ duyên dáng của thơ, theo tôi, nằm ngoài và có rất ít ở sự trúc trắc của ngôn từ.

Phóng viên: Những dự định trong tương lai của nhà thơ và hành trình để nhà thơ thực hiện điều đó?

NLT: Tôi sẽ in tiếp những bản thảo của mình: thơ, truyện và các tác phẩm dịch. Hành trình của tôi là kiếm tiền để in thôi. Hài hước chút cho vui, tôi nghĩ, tôi cứ tiếp tục viết và tìm kiếm cơ hội cho tác phẩm được ra đời, đến với bạn đọc mà thôi.

Xin cám ơn nhà thơ chúc nhà thơ dồi dào sức khỏe và có nhiều tác phẩm hay!

Bạch Diệp (Thực hiện)