Nhà thơ Ngọc Lê Ninh: "Trung thu thời 4.0 rất khác"

Hệ thống

MV Quả thơ được làm theo giai điệu trống quân độc đáo vừa được nhà thơ Ngọc Lê Ninh cho ra mắt như một món quà đặc biệt dịp Trung thu năm nay.

Vào dịp Trung thu năm 2021, trẻ nhỏ cả nước đang phải cùng gia đình gồng mình chống dịch bệnh Covid-19 nên nhiều nơi không thể tổ chức Trung thu. Đêm hội trăng rằm tưng bừng tiếng trống, tiếng múa ca rộn ràng không thể diễn ra náo nức như mọi năm. Trăn trở điều này nhiều ngày, nhà thơ Ngọc Lê Ninh đã ra mắt MV ca nhạc dân gian theo làn điệu hát trống quân mang tên Quả thơ, dựa trên nội dung bài thơ cùng tên này.

ninh21-1679237446.jpg
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh cùng NSƯT Quang Tèo, NSƯT Đại Mý cùng tham gia MV Quả thơ.

Từ bài thơ được nhiều người yêu thích của mình, nhà thơ Ngọc Lê Ninh nghĩ đến việc "nhuận sắc" lại nó cho phù hợp với không khí Tết Trung thu có từ ngàn đời nay trong tâm thức người Việt. Bởi vậy, anh đã phối hợp cùng Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam - Hội nhạc sĩ Việt Nam và các nghệ sĩ của đoàn làm phim Viện Chiến lược điện ảnh Việt Nam xây dựng MV này.

Trên tiết tấu âm nhạc rộn ràng, tươi vui của làn điệu trống quân, MV đưa người nghe đến mùa thu trong hương vị, màu sắc của các loại quả. Tham gia góp mặt trong MV này có nghệ sĩ Quang Tèo, Đại Mý, Ngọc Lê Ninh... Hai giọng ca thể hiện tác phẩm là nghệ sĩ Nhật Linh, Thu Dương. Chỉ huy nghệ thuật là nhạc sĩ Thao Giang.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, nhà thơ Ngọc Lê Ninh cho hay: "MV Quả thơ ra đời sau nhiều đêm suy tư của tôi. Tôi thấy các em hiện nay thiệt thòi quá. Thời dịch bệnh các em không được đến trường, phải học online, không được gặp thầy cô, bạn bè nên niềm vui giảm đi một nửa. Bài Quả thơ tôi sáng tác năm 1987, đây là bài thơ mô tả một bức tranh xã hội vô cùng sinh động, mỗi loại quả được ví von đặc trưng cho một nhân vật trong đời sống xã hội đương đại. Toàn bội nội dung bài thơ có tác dụng giáo dục trẻ nhỏ rất cao thông qua từng tính cách của nhân vật hay từng loại quả. Các em sẽ thích thú hơn khi vừa được hát, vừa được học trong MV này.

Trung Thu thời 4.0 của các em rất khác. Các em không được vô tư chạy nhảy, không được rước đèn ông sao, không được cắm trại do một số địa phương vẫn tuân thủ việc giãn cách xã hội thì bài thơ như một món quà nhỏ mà ê kíp dành tặng các em, hy vọng rằng, vào dịp Tết trăng tròn, các em có phải đón trăng, phá cỗ... online, thì các em sẽ đỡ buồn hơn.

Hiện tại chúng tôi đang cho ra phiên bản mới của MV bằng tiếng Anh, trong MV sẽ xuất hiện từng loại quả khi hát lên quả nào sẽ hiện quả đó và tên tiếng Anh. Khi học đến chủ đề quả bằng tiếng Anh các em có thể tự học và dễ thuộc bài hơn do học bằng phương pháp trực quan. Các giáo viên tiếng Anh cũng có thể sử dụng MV này làm giáo án để dạy chủ đề về quả cho các em rất tiện lợi".

le-ngoc-ninh1-1679237446.jpg
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh từng đoạt giải thơ của Hội nhà văn Quốc tế năm 2019.

Nói về việc làm MV trên nền âm nhạc dân gian, nhà thơ Ngọc Lê Ninh cho hay: "Giới trẻ bây giờ rất thức thời, các em thích âm nhạc sôi động, tiết tấu nhanh và nhiều em không muốn học nghệ thuật truyền thống. Tôi làm MV này theo giai điệu trống quân vì nghĩ rằng, từ tác phẩm, các em sẽ yêu hơn âm nhạc dân gian. Thông qua MV này các em sẽ biết được một loại quả đặc trưng tích cách cho một nhân vật trong xã hội, tạo cho các em tính hài hước, vui tươi trong cuộc sống, xử lý các tình huống khi giao tiếp với mỗi người

Ngoài ra thông qua MV các em cũng như mọi người xem sẽ có ý thức bảo vệ môi trường hơn, biết trân trọng quá khứ biết trân quý những di sản của người đời xưa để lại và truyền thống yêu nước của dân tộc ta".

Nhà thơ Ngọc Lê Ninh sinh năm 1969 ở Thanh Hóa. Anh là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Anh cũng đã xuất bản 3 tập thơ: Vỡ cùng hy vọng (NXB Hội Nhà văn - 2016); Chưa thể đặt tên (NXB Hội Nhà văn - 2017); Hạt mưa thầm (NXB Thanh Niên - 2018), anh đang chuẩn bị cho ra mắt tập thơ thứ 4 mang tên Đôi mắt thời @. Ngọc Lê Ninh còn nhiều lần xuất hiện trên Sân thơ Trẻ (Ngày thơ Việt Nam) và đọc thơ tại các trường đại học. Anh từng đoạt giải thơ của Hội nhà văn Quốc tế năm 2019 - IWA BOGDANI. Anh đã có 10 bài thơ dịch ra tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và được đăng trên các báo và tạp chí của các nước.