TỪ DỤ THÁI HẬU – TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ HẤP DẪN CỦA NHÀ VĂN TRẦN THÙY MAI

Ninh thẩm định

Trần Thùy Mai là một nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, bà quê ở Huế, sinh ở Hội An, là thành viên của hội nhà văn Việt Nam. Bằng tài năng và bút lực của mình Trần Thùy Mai đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng độc giả, văn của Trần Thùy Mai nhẹ nhàng sâu sắc mà dung dị gần gũi với cuộc sống đời thường khiến cho người đọc dễ cảm mến, dễ thấu hiểu.

Tác giả luôn cố gắng biến những vấn đề phức tạp thành những vấn đề dễ hiểu để dễ tiếp cận với bạn đọc, những trang viết của Trần Thùy Mai đã dể lại ấn tượng không thể nào quên đối với những ai yêu thích văn chương. Với niềm đam mê văn chương cháy bỏng cùng với khả năng thiên phú của mình Trần Thùy Mai đã sở hữu cho mình khá nhiều tác phẩm với nhiều giải thưởng có giá trị đó là: Cỏ hát , Thị trấn hoa quỳ vàng, Trò chơi cấm, Thập tự hoa, Thương nhớ hoàng lan… Những câu chuyện của nhà văn luôn nhẹ nhàng khơi gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ và trăn trở về cuộc sống, văn chương Trần Thùy Mai không ru ngủ con người mà có tác dụng xoa dịu nỗi đâu của con người để sau này sống có ích, sóng lương thiện với cộng đồng.

Từ Dụ thái hậu là bộ tiểu thuyết lịch sử gồm hai tập, dày gần 800 trang của Trần Thùy Mai kể về cuộc đời của vương phi Phạm Thị Hằng cùng với những đấu đá, âm mưu trong cung cấm. Cuốn tiểu thuyết đã tạo nên chân dung của một vị thái hậu quyền uy nhưng giản dị gần gũi với dân chúng. Cuốn sách đã phần nào ca ngợi nhân phẩm và đạo đức của Phạm Thị Hằng khiến người đọc có thể hình dung được chân dung của một bà thái hậu hiền lành đức độ. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết thành công của Trần Thùy Mai, được đọc giả quan tâm và mến mộ.

Từ Dụ thái hậu là cuốn tiểu thuyết lịch sử kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của vương phi Phạm Thị Hằng từ khi mới bước chân vào hoàng cung cho đến khi nắm đến ngôi vị cao nhất. Câu chuyện kể về những tranh chấp đấu đá trong vương triều nhà Nguyễn.

sqq-1696136612.jpg
 

Tác phẩm Từ Dụ thái hậu

Mở đầu là câu chuyện xoay quanh ngôi nhà của Phạm Đăng Hưng khi ông được triệu vào cung làm việc, sau đó là chuyện con gái ông là Phạm Thị Hằng được kết duyên cũng thái tử Miên Tông sau khi trải qua nhiều thăng trầm biến cố.

Cuốn tiểu thuyết được viết tạo nên một nơi nhiều đấu đá, trang đoạt quyền lực không dứt, mà người đứng đầu âm mưu toan tính là Nhị phi Trần Thị Đang. Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt là hai vị trọng thần tài giỏi trong cung vua nắm giữ nhiều trọng trách, nhưng từ lâu hai ông này đã trở thành cái gai trong mắt nhị phi khi bà ta muốn thâu tóm quyền lực vào tay mình, chính vì vậy Nhị Phi đã lập ra rất nhiều mưu đồ để chia rẽ Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt. Nhị phi còn lập mưu hại Lê Văn Duyệt khi đang còn giữ chức quan tại miền Nam, trong đợt bão lũ vừa qua đi, dân tình đói khổ rất nhiều, thủ kho tại nơi ở của Phạm Đăng Hưng ăn chặn thóc của dân bị phát hiện, Đăng Hưng biết chuyện trị tội tên thủ kho, nhưng không may tên này chạy thoát, dân chúng bắt được đánh tên thủ kho thừa sống thiếu chết, kết quả thủ kho bị dân đánh chết, không may cho Phạm Đăng Hưng tên thù kho này là con cháu thân thích trong hoàng tộc, chính vì vậy ông bị giải về kinh thành và mang án chém. Đức vua khi đó hoàng tử Đảm đã lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng, là người biết rõ Phạm Đăng Hưng là một người cương trực thẳng thắn trung nghĩa, hơn nữa đây là một con người làm việc gì cũng nhìn trước nhìn sau và rất trung thành đã cho bí mật điều tra sự tình và phát hiện ra Thái hậu tức nhị phi là người đúng sau dàn xếp câu chuyện này, chính vì thế trong ngày Phạm Đăng Hưng chịu tội chết nhà vua đã đích thân đến nơi xử án và cho gọi tất cả nhân chứng đến minh oan cho Phạm Đăng Hưng, sau đó ông này thoát tội và được phong làm quan chép sử trong triều. Đây là một chức quan phù hợp với tính cách địa vị và học vấn của Phạm Đăng Hưng. Con gái của Phạm gia là Phạm Thị Hằng đã đến tuổi cập kê, lọt vào mắt xanh của hoàng tử Miên Hoằng, hoàng tử đã xin mẹ là tam phi cho được kết duyên cùng với nàng, nhưng Miên Hoằng đâu có biết từ khi vào cung coi sóc cho công việc học hành của các vị hoàng tử, Phạm Thị Hằng đã có cảm tình với hoàng tử Miên Tông và hai người này rất hợp ý nhau. Miên Tông biết chuyện Miên Hoằng có ý muốn dạm hỏi Phạm Thị Hằng đã xin đức vua cho thi tài cùng với Miên Hoằng để giành lấy Phạm Thị Hằng. Đức vua đồng ý, cho hai hoàng từ cùng bắn cùng để thi tài. Trong tất cả các lĩnh vực thì bắn cung là việc mà hoàng tử Miên Tông yếu nhất, hoàng tử luôn nghĩ ràng mình sẽ không bao giờ thắng được Miên Hoằng vì Miên Hoằng thường xuyên theo vua cha đi săn bắn nên rất rành về lĩnh vực này, còn Miên Tông chỉ giỏi thi ca, chữ nghĩa. Chính vì biết được điểm yếu của Miên Tông mà Phạm Thị Hằng đã cầu xin Phạm Đan Quế người đỗ thi khoa trong kì thi tuyển chọn nhân tài của triều đình, được giao cho chức vụ dạy dỗ các hoàng tử. Phạm Đan Quế đồng ý giúp đỡ Phạm Thị Hằng bằng cách dạy Miên Tông những tuyệt chiêu bắn cung để giật giải cùng với Miên Hoằng. Ngày thi thố đã đến gần sau những ngày luyện tập vất vả, cùng nhiều mưu mẹo học được từ Phạm Đan Quế, Miên Tông đã có đầy đủ kiến thức và kĩ năng để thi tài với Miên Hoằng, dù được đánh giá là thấp hơn đối thủ những Miên Tông đã rất cố gắng tập trung sức lực của mình để bắn trúng hồng tâm của tâm bia mũi tên, kết quả Miên Tông giành thắng lợi và cưới được Phạm Thị Hằng.

Từ đây cuộc đời của Phạm Thị Hằng bắt đầu trải qua sóng gió khi được làm vợ của hoàng tử. Thái hậu tức nhị phi Trần Thị Đang là một người đàn bà thông minh, quyền lực luôn nung nấu tham vọng nắm quyền bính ở trong tay, chính vì thế khi biết tin Phạm Thị Hằng là vợ hoàng tử Miên Tông bà đã không vui, vì vốn dĩ bà không hề ưa gì Phạm Đăng Hưng và luôn tìm mọi cách để hại ông. Chính vì thế mà từng nhất cử nhất động của Phạm Thị Hằng bà đều theo dõi kĩ càng và bắt bẻ từng chút một. Người đàn bà quyền lực này cũng là người đã ban hành những luật lệ rất lạ trong hoàng cung đó là ra lệnh ban hành trong triều đình không nên có tể tướng, sau đó cùng nhà vua ban hành Đế hệ thi và Phiên hệ thi. Đây là một trong những chính sách rất lạ của thái hậu nhằm kìm hãm sự bành trướng của thế lực Lê Văn Duyệt, vì xét cả quá trình trong tất cả những vị quan lại trong triều đình thì Lê Văn Duyệt là người xứng đáng đứng đầu các quan lại. Kế hoạch của Thái hậu thành công, không chỉ vậy, Thái hậu còn đích thân chọn vợ thứ hai cho hoàng tử Miên Tông sau khi biết chuyện Phạm Thị Hằng sinh con gái, cô gái được thái hậu tuyển chọn là con gái của một gia đình gia thế, danh gia vọng tộc được đặt cho tên hiệu là Cam Lộ, mong muốn được hầu hạ hoàng tử và sinh hạ con trai để có thể củng cố quyền lực của thái hậu. Dù đã tìm mọi cách để có thể quyến rũ được hoàng tử Miên Tông nhưng Cam Lộ vẫn không có được sự ân sủng của hoàng tử, chính vì vậy khi thực hiện kế cuối cùng là giả vờ đau khổ để nhảy sông tự vẫn, thì Cam Lộ đã lấy được lòng hoàng tử và trở thành vợ thứ hai của người.

Qua câu chuyện Từ Dụ thái hậu người đọc thấy được sự nham hiểm và tàn ác của bà nhị phi Trần Thị Đang bà tìm mọi cách để có thể thực hiện được mưu đồ của mình, thậm chí hãm hại triều thần để đạt được mục đích. Trong câu chuyện còn có sự xuất hiện của Hạnh Thảo là cung nữ hầu hạ hoàng hậu thuở trước chứng kiến được nhiều âm mưu sự việc xảy ra trong cung, cuối cùng khi hoàng hậu qua đời, Hạnh Thảo bơ vơ không nơi nương tựa đã đến cầu xin ở nhờ nhà Phạm Đăng Hưng và trở thành một trong những người thân cận của nhà họ Phạm. Sau một thời gian dài gắn bó, nhà họ Phạm xảy ra nhiều biến cố, Hạnh Thảo bị Phạm phu nhân hiểu lầm nên xin ra khỏi nhà và được công chúa đương triều thu nạp làm nô tì ngày đêm lo tụng kinh niệm phật. Hạnh Thảo đi khá lâu thì trong nhà Phạm Đăng hưng xảy ra biến cố, Phạm phu nhân mất, Đăng Hưng bị khép tội chết, chính vì vậy Hạnh Thảo đã cầu xin công chúa cho trở về Phạm phủ để có thế gặp Phạm Đăng Hưng hỏi cho rõ sự tình. Hạnh Thảo vẫn nhứ lời hứa của mình với nhà họ Phạm nên chăm sóc Phạm Đăng Hưng chu đáo, sau này khi được minh oan, Đăng Hưng kết duyên cùng Hạnh Thảo và chung sống hạnh phúc. Câu chuyện trong cung cấm vẫn còn nhiều bí mật và nhiều sự việc cần phải phơi bày làm sang tỏ. Người đọc sau khi khép lại trang tiểu thuyết vẫn bồi hồi ngẩn ngơ trước số phận của những nhân vật mạt vận trong câu chuyện, và đặc biệt ấn tượng bởi bà thái hậu Trần Thị Đang túc trí đa mưu nhưng cũng không kém phần nham hiểm và tàn độc.

Đọc câu chuyện về Từ Dụ thái hậu người đọc thấy sợ hơn là thích sợ bởi những âm mưu đen tối, mưu đồ do các thế lực đấu đấu đá nhau sắp đặt sẵn, sợ bởi những mánh khóe của các cung tần mỹ nữ sử dụng để lấy lòng nhà vua, sợ bởi sự câu kết đấu đá lẫn nhau của các quan lại. Hơn thế nữa người ta cảm thấy cung vua như ngục thất như tù đày mà người nào tốt số thì có thể vươn lên một vị trí nhất định, có địa vị xã hội, có tiền tài, có phúc phận còn xấu số thì bị đầy vào lãnh cung mãi mãi không được ra ngoài cung để ngắm nhìn ánh mặt trời tươi đẹp, rực rỡ biết nhường nào. Người ta bỗng thấy sợ cung điện nguy nga, bóng bẩy bởi ẩn chứa trong đó là muôn ngàn cám dỗ, muôn vạn mưu kế hiểm độc mà con người giăng ra sẵn sàng bủa vây lấy nhau khi cần thiết. Tuy nhiên ẩn bên trong những mưu sâu kế hiểm đó người ta còn cảm nhận được một tình yêu rất đẹp rất chân thành và trong sáng của Phạm Thị Hằng và Miên Tông, hai con người này yêu và cảm mến nhau thật sự nhưng cuối cũng cũng không thoát khỏi bàn tay mưu đồ hiểm độc của thái hậu.

Có thể nói viết tiểu thuyết lịch sự thực sự khó đối với nhiều nhà văn, vì cần phải dốc sức nhiều, cần tìm hiểu thấu đáo và cặn kẽ. Với Trần Thùy Mai nhà văn không ngại khó ngại khổ để tìm hiểu về nhân vật Từ Dụ thái hậu để viết về người phụ nữ giản dị mà sâu sắc này. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng được đông đảo bạn đọc đón nhận. Tác phẩm đã tái hiện một cách chân thực cuộc sống gò bó, luật lệ trong cung cấm cũng như những cuộc tranh giành đấu đá ngầm khiến nhiều người phải bỏ mạng. Câu chuyện còn hấp dẫn bởi cách dẫn chuyện li kì, cuốn hút, nhiều khúc cua, khúc ngoặt khiến người đọc phải dốc sức đoán ra tình tiết tiếp theo sẽ diễn ra trong câu chuyện, có nhiều đoạn trong truyện khiến người đọc phải nín thở không dám phán bừa như đoạn Phạm Đăng Hưng bị đưa ra xét xử cầm chắc cái chết, hay đoạn hoàng tử Miên Tông bắn mũi tên cuối cùng để quyết định Phạm Thị Hằng sẽ thuộc về ai. Tất cả đều được tạo tác tài hoa dưới khả năng kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn của Trần Thùy Mai.

Sau khi đọc xong tác phẩm này người đọc sẽ có một cái nhìn khá trọn vẹn về hậu cung, vương triều nhà Nguyễn và tăng thêm vốn hiểu biết về lịch sử để có thể trau dồi thêm kiến thức cho bản thân, và cũng được nghe thêm nhiều chuyện lạ từ ngàn xưa còn truyền lại.

HOÀNG BẠCH DIỆP