ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI VIẾT

Ninh thẩm định

  1. Giới thiệu tác giả

Hai tác giả Travis Elborough và Helen Gordon là những cây bút giàu kinh nghiệm trong nghiệp văn chương, điều mà các tác giả muốn là chia sẻ những kinh nghiệm viết lách cho các bạn trẻ để các bạn có thể vững tâm bước vào con đường nhiều thử thách này. Bằng những kinh nghiệm trong công việc viết lách, tác giả đã chắt lọc những kinh nghiệm để đời trong cuốn sách giúp tháo gỡ các khó khăn cho những cây bút mới vào nghề.

review-sach-de-tro-thanh-nguoi-viet-thichvietlach-1-1713943040.jpg
 
  1. Giới thiệu tác phẩm

Những ai đam mê văn học chắc chắn sẽ không thể bỏ qua cuốn sách này, bởi đây là cuốn sách gối đầu giường cho các bạn trẻ trên con đường xây dựng sự nghiệp viết lách cho chính mình. Những trích dẫn, sẻ chia đầy tâm huyết của các nhà văn khiến nhiều người háo hức muốn dấn thân vào nghiệp viết. Chính vì vậy cuốn sách đã trao cơ hội tuyệt vời cho nhiều người muốn học hỏi và sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn chương để đời. Bởi vậy hãy tận dụng cuốn sách tuyệt vời này để xây dựng nên ước mơ cho mình.

  1. Mục lục
  • Trở thành người viết : Tìm kiếm lối đi cho riêng mình
  • Bằng cách nào và bằng cái gì? Bắt tay vào công việc
  • Vì sao thất bại? Bí ý tưởng và những rắc rối phát sinh khác
  • Viết sao cho hay? Nghệ thuật tìm kiếm câu từ phù hợp
  • Kết sao cho đắt? Cách hiệu quả để khép lại vấn đề
  1. Tóm tắt nội dung

Viết văn đã trở thành một niềm đam mê bất tận cho những người thích đọc sách, với nhiều người viết là một cách để giải phóng bản thân, truyền đi năng lượng tư duy tích cực cho chính mình để học tập và hoạt động tốt. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể viết tốt và viết hay mà viết phải trải qua một quá trình rèn luyện bên bỉ lâu dài, khi chúng ta viết được những dòng tâm sự của mình, nói lên chính kiến và suy nghĩ của chính mình chính là lúc chúng ta trưởng thành và đang dần nhanh nhạy với thời cuộc. Viết là một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ từ cách đặt tiêu đề đến phần ráp nội dung cho văn bản và phần kết cho tác phẩm. Tất cả đều là quá trình thai nghén theo thời gian bởi những ý tưởng trào dâng không ngừng nghỉ và những suy nghĩ được lắp ghép một cách cẩn thận, logic.

Nhưng làm thế nào viết cho hay viết cho khéo léo đi vào lòng người đọc mà vẫn giữ một dấu ấn tốt đẹp, điều đó cần tuyệt chiêu và kĩ năng viết ở mỗi người. Chính vì hiểu được những khó khăn và bế tắc trong quá trình viết lách cuốn sách Để trở thành người viết đã tập hợp tất cả những kinh nghiệm, những trải nghiệm của các nhà văn trứ danh dành lời khuyên cho những ai muốn dấn thân vào con đường viết lách hoặc muốn xây dựng một sự nghiệp viết lách vững chắc. Đây được xem như cuốn cẩm nang, cuốn sổ tay viết văn dành cho những ai đang băn khoăn suy nghĩ về việc viết hàng ngày của mình đồng thời muốn phát triển việc viết lách một cách hiệu quả.

Cuốn sách được chia thành 5 phần, mỗi phần là một chủ đề riêng để bạn đọc dễ dàng theo dõi, và học hỏi cách viết và cách gỡ rối các bế tắc từ các chuyên gia, nhà văn.

Phần 1: Để trở thành người viết. Phần này hướng dẫn mỗi người cần phải chuẩn bị những bước căn bản để trở thành người viết. Bước đầu tiên đó là đọc đọc thật nhiều, đọc tất cả những gì có được, chọn lọc các ý viết thành khung thành dàn sau đó dựa vào dàn bài để viết. Bởi: “Viết là say sưa trút cạn thâm tâm trên trang giấy mở rộng, bằng tốc độ điên cuồng, tới độ khi tay ta phải ráng sức và dấy loạn khi bị hành cho mệt nhoài bởi vị thần chỉ lối thiếu kiên nhẫn. Để rồi ngày hôm sau, ta thấy ở nơi đáng lý cành vàng đã bừng nở diệu kỳ sau những giờ phút thăng hoa ấy, mọc lên bụi mâm xôi héo khô với nhành hoa còi cọc”.

Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế có nhiều ý tưởng và nhiều ngôn ngữ tuôn trào trên trang giấy trắng, không chỉ đọc và viết mà chúng ta còn phải xây dựng một gu đọc nhất định, bởi nhờ có gu đọc đó bạn sẽ tìm thấy ở nhà văn một tâm hồn đồng điệu nhất định, và sau đó bạn sẽ có cảm hứng để sáng tạo. Và điều đặc biệt hơn nhà văn phải biết trau dồi cho mình sự tự tin, niềm kiêu hãnh với tác phẩm của mình để không phải e dè khi đi nộp bản thảo cho các nhà xuất bản. Tiếp theo đó nhà văn phải luôn trải nghiệm thật nhiều, đi nhiều giao lưu tiếp xúc nhiều và phải có óc quan sát để có thể học hỏi từ mọi người xung quanh, chắt lọc cho trang viết của mình thêm sinh động và trôi chaỷ. Và điều quan trọng hơn nhà văn người viết lách phải kiên trì với công việc của mình, không được bỏ cuộc giữa chừng nếu bỏ cuộc thì các ý tưởng sẽ cạn kiệt, tác phầm sẽ không được hình thành và làm độc giả chán ngán.

Chương 2: Viết bằng cách nào và bằng cái gì? Ở chương này, tác giả chỉ cho chúng ta cách viết và cách bắt tay vào công việc. Việc viết lách rất quan trọng vì nó sử dụng tư duy ngôn ngữ để diễn đạt điều mình mong muốn trong câu chuyện của mình, hơn nữa mỗi câu chuyện được viết ra sẽ là một thông điệp tác giả muốn truyền tải đến người đọc. Vì vậy hãy bắt đầu công việc viết lách sớm có người tùy vào khả năng của mình mà bắt đầu vào lúc 5h30, 6h00 thậm chí 9h00 hãy chọn khung giờ nào phù hợp nhất để trang trải những ý tưởng của mình trên trang giấy trắng, đem đến cho người đọc những tác phẩm tuyệt vời khiến trái tim độc giả rung động. Hạn chế việc sử dụng chất kích thích khi viết đặc biệt là rượu, hơn nữa khi làm việc hãy ngắt kết nối các thiết bị internet bởi vì internet khiến chúng ta phân tâm trong làm việc và chất lượng công việc không cao. Nên những sản phẩm tạo nên dễ đem đến cảm giác buồn chán cho người đọc.

Thêm nữa hãy đến với công việc viết lách bằng một trái tim nhiệt huyết và sôi nổi không vụ lợi vì chỉ có như thế chúng ta mới có thể đem đến cho độc giả những cảm xúc tinh khôi trong trẻo nhất và khiến độc giả lưu luyến mãi với tác phẩm của mình. Hãy lựa chọn một nơi yên tĩnh xa các tạp âm để có thể tập trung vào sáng tác và hoàn thành mọi công việc đề ra. Khi tiến hành công việc bạn có thể lao vào công việc với nhiều cảm xúc khác nhau, lo lắng sợ hãi, bồn chồn hay quyết chiến với công việc đó, tuy nhiên dù cảm xúc có như thế nào thi khi đối mặt với trang giấy trắng bạn không nên hời hợt, nhạt nhẽo bởi làm vậy sẽ khiến chó khả năng viết lách của bạn giảm sút, không chỉ vậy nó khiến bạn mệt mỏi và tụt năng lượng. Bởi vậy phải dồn tâm huyết vào việc viết và thể hiện những trải nghiệm sâu sắc của mình trên trang giấy.

Để sáng tác bạn có thể sử dụng giấy và bút hoặc laptop để viết bài, dù viết bằng bất cứ phương tiện gì hãy giữ vững phong độ và những ý tưởng tuôn trào trong đầu óc mình có như vậy thì khả năng viết lách mới tăng cao và vượt qua nhiều rào cản trước mắt. Khi bạn đi ngủ những giấc mộng có thể là nguồn cảm hứng sáng tạo của bạn, nên hãy cố gắng lưu lại những giấc mộng như thế để có thể giải phóng bản thân mình trên trang viết bởi: “Bạn nảy ra ý tưởng khi mơ mộng. Bạn nảy ra ý tường khi buồn chán. Bạn luôn luôn nảy ra các ý tưởng. Khác biệt duy nhất giữa nhà văn và người bình thường, là chúng ta nhận ra những ý tưởng ấy”

Chương 3: Vì sao thất bại? Và chúng ta nên làm gì khi bị bí ý tưởng. Không phải nhà văn nào cũng suôn sẻ trong việc viết lách, sẽ có những lúc chúng ta bị bí ý tưởng trang giấy trắng hay màn hình máy tính trở thành pháp trường trắng khiến chúng ta không thể cầm bút nổi. Chính vì thế mỗi chúng ta phải tìm ra giải pháp cho việc bí ý tưởng để nó không còn trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi nhà văn, bởi khi bí ý tưởng, tác phẩm không ra đời, nhà văn cạn suy nghĩ thì đó là một thất bại lớn khiến cho những người cầm bút cảm thấy chán nản mệt mỏi.

Vì thế nếu có một ý tưởng tệ hại thì hãy bỏ qua vì thà chẳng làm gì còn hơn là nảy sinh những ý tường khiến người khác khó chịu. Một số nhà văn khác coi việc bí ý tưởng như một lời đồn đại bởi nó chỉ làm khó những nhà văn non tay còn những người có tay nghề chắc chắn lâu năm trong nghề sẽ không bị việc bí ý tưởng làm cản trở bởi họ đã quá quen thuộc với việc xử lý khi không có ý tưởng. Có nhiều nhà văn dung hòa được việc bí ý tưởng họ xem như mình ổn với thất bại không bị chúng làm chùn chân nản chí. Nhà văn khi ý tưởng tuôn trào dồi dào có thể viết từ chương 1 đến chương 5 hoặc sau đó đã quá chán với những chương này có thể nhảy sang chương 14 và bắt đầu lại từ đó.

Trong quá trình viết bị bí ý tưởng thì có thể cải thiện bằng cách đọc thêm sách, đọc truyện ngắn và tiểu thuyết của những nhà văn khác để gia tăng sức sáng tạo cho chính mình, khi đọc có thể ghi chép những ý tưởng hay vào giấy và sau đó tiếp tục công việc, và tuyệt đối không được sao chép ý tưởng của những tác gia đi trước nếu không muốn bị bạn đọc ruồng bỏ. Việc cạn kiệt ý tưởng là việc xảy đến thường xuyên đối với nhiều người, bởi nó “không phải là sự tắc nghẽn của tư duy mà sự từ chối tiếp tục làm một việc bản thân biết sẽ chẳng đi đến đâu”.

Chương 4: Viết sao cho hay, nghệ thuật tìm kiếm câu từ phù hợp. Viết lách là một quá trình lâu dài cần thời gian và tư duy. Nhà văn phải là người trau chuốt câu văn chữ nghĩa để tác phẩm đi vào lòng người, nhân vật nhà văn tạo ra phải thật sống động và thực tế có như vậy độc giả mới tìm đến nhà văn để học hỏi và để bước vào thế giới phiêu lưu mới do nhà văn tạo ra. Bởi “nhiệm vụ của tác giả là khai phá những chân trời chưa ai biết tới, cống hiến cả sự nghiệp để vinh danh một chân lý, vẽ ra những viễn cảnh mới cho tương lai, hoặc mang lại góc nhìn mới về những điều đã cũ hay đào sâu vào những điều bị nhân loại bỏ qua một cách vội vã”. Chất liệu tạo nên văn chương chính là ngôn từ, ngôn từ có hay có đẹp thì mới làm say mê lòng người khiến đọc giả níu giữ mãi với tác phẩm văn học, vì vậy nhà văn phải trở thành bậc thầy, phù thủy ngôn từ để có thể làm chủ được năng lực của mình tạo nên những cuốn sách hay độc đáo.

Sự cô độc là điều mà nhà văn không thể tránh khỏi, bởi trên hành trình sáng tác nhà văn người viết phải đi một mình và phải thực hiện tất cả các khâu các bước trong quá trình sáng tác, đây là một công việc độc lập mà không ai có thể làm thay làm hộ, bởi thế nhà văn chân chính luôn tận dụng sự cô độc để sáng tác, với nhà văn: “Ngay cả cơn ác mộng cũng có thể được sử dụng như một công cụ. Những câu chuyện đôi khi đến với tôi trong những cơn ác mộng. Mỗi đêm.”

Ngôn ngữ nhà văn sử dụng phải súc tích, ngắn, gọn, nhiều nghĩa, bám sát hiện thực không nên viết hoa lá cành, viết quá văn hoa sẽ thành giả tạo, ngượng nghịu và khiến người khác khó chịu, không lấy được lòng tin từ người khác. Ngôn ngữ càng hiện thực càng đơn giản càng hữu ích. Tuy nhiên có những tác phẩm cần ngôn ngữ văn hoa để làm giàu thêm trí tưởng tượng của độc giả, vì vậy phải đặt ngôn ngữ đúng chỗ thì mới phát huy được hiệu quả từ đó, tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện.

Chương 5: Kết sao cho đắt – cách hiệu quả để khép lại vấn đề. Tùy thuộc vào câu chuyện mà nhà văn lựa chọn để có thể chọn cái kết phù hợp, nhiều nhà văn chọn cái kết hạnh phúc có hậu, nhưng cái kết này dường như không để lại ấn tượng bằng cái kết bi kịch và còn bỏ ngỏ. “Hoàn thành một cuốn sách giống như bạn dắt một đứa trẻ ra ngoài sân và két liễu nó”. Vì vậy khi kết thúc tác phẩm cần lựa chọn cái kết phù hợp, hấp dẫn hợp lý để lôi cuốn người đọc. Điều này tùy thuộc vào tài năng biến hóa của nhà văn để khiến cho câu chuyện trở nên sống động hấp dẫn, tồn tãi mãi mãi trong lòng người đọc.

  1. Đánh giá và cảm nhận về cuốn sách Để trở thành người viết

Cuốn sách Để trở thành người viết, tập hợp nhiều nhận định, nhiều câu chuyện và kinh nghiệm viết văn của các nhà văn nổi tiếng, bất hủ. Cuốn sách được viết dành cho các bạn trẻ đang loay hoay tìm đường bước vào thế giới văn chương nghệ thuật. Khi bước vào thế giới đó phải chấp nhận sự cô độc, phải bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, phải trải qua thất bại vấp ngã của việc bí ý tưởng, phải khiến cho tác phẩm của mình nổi bật nhờ khả năng tư duy và óc sáng tạo.

Với tâm huyết và trải nghiệm phong phú tác giả cuốn sách – Travis Elborough và Helen Gordon đã mang đến cho bạn đọc những bài học bổ ích lý thú và những kỹ năng nghiệp viết mà không phải ai cũng có được. Từ cuốn sách này chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc viết lách đối với cuộc sống. Viết để giao lưu, làm việc, viết để tiếp cận với những nguồn tri thức mới, viết để thay đổi tư duy khiến mình trở nên mạnh mẽ , dũng cảm hơn trong cuộc sống và viết để khẳng định cái tôi bản ngã của mình. Nghề viết khó ở chỗ là kiên trì và trau chuốt ngôn ngữ, sắp xếp các ý tưởng nếu đến với nghề một cách hời hợt, nông cạn thì không bao giờ có thể thành công trong nghề này, và có thể tự hủy hoại chính mình. Bởi vậy chỉ có những con người nghiêm túc, yêu nghề biết lắng nghe sẻ chia thấu hiểu, và chăm chỉ mới nhiệt huyết với công việc viết lách.

Hoàng Bạch Diệp