Lê Viết Hòa – Con người thơ giữa đời thường

Ninh thẩm định

Lê Viết Hòa là một thầy thuốc Đông y khá nổi tiếng, bên cạnh công việc chính là làm thầy thuốc, ông còn là một nhà thơ, ông viết thơ để giãi bày lòng mình, để giải phóng cá tính trong con người mình. Thơ của ông man mác buồn, mang đậm ý vị thiền đưa người đọc về một khoảng thời gian tĩnh tại sau bao bon chen giữa dòng đời tất bật. Trò chuyện với ông độc giả cùng đắm chìm trong một thế giới nghệ thuật nên thơ nhưng rất đỗi đời thường.

Sự tìm tòi, đổi mới không đi theo lối mòn sẵn có để tìm ra một phong cách sáng tác riêng cho mình, phù hợp với thời đại là những điều tôi tâm niệm kể từ khi bước chân vào con đường VHNT. Nói về sáng tác, mỗi người cầm bút ai cũng có cái Tôi của mình. Cái Tôi đó định hình cho con đường nghệ thuật riêng, không hòa lẫn vào ai. Và phải có cái Tôi, mới tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để viết ra những gì mình cảm nhận, suy nghĩ về nội tại, cuộc sống, những ý đồ mình muốn chuyển tải đến người đọc, tức là thông điệp theo tính chủ quan nhưng có ý nghĩa với cộng đồng. Có thể nói, không có cái Tôi, sẽ không có sáng tạo nghệ thuật.

427078294-711530771150278-5357426024564377717-n-1708764100.jpg
 

Đứng ở góc độ một người cầm bút, tôi hoàn toàn tôn trọng cái Tôi của mỗi người sáng tác. Đã có quá nhiều cuộc tranh luận về nghệ thuật và tư tưởng sáng tác trong văn học; Nhưng ý thức hệ và tư tưởng chủ đạo trong dòng chảy văn học hiện nay luôn luẩn quẩn với những mặc định vô hình. Đại đa phần những tác phẩm ra đời trong thời gian qua chỉ mang tính chung chung, vô thưởng vô phạt, nếu không muốn nói chỉ theo một chiều, phục vụ cho một mục đích không mang tính dự báo, không mở ra cả về nội dung lẫn nghệ thuật cho sự phát triển chiều rộng và chiều sâu hướng tới những giá trị đích thực của đời sống. Chúng ta cứ loay hoay trong cái ao tù để vẽ ra viễn cảnh không thực; tự ràng buộc mình trong vô thức của hệ quy chiếu sự lệ thuộc theo đường hướng định sẵn. Nói thẳng ra, đó chính là nỗi sợ hãi tồn tại dai dẳng trong suốt quá trình bị nhồi nhét, cải tạo tư tưởng của thể chế nhằm tạo ra những con người chỉ biết phục tùng vô điều kiện, triệt tiêu mọi sự phản kháng, trái chiều. Trong bối cảnh đó, hiện thực xã hội không được miêu tả đúng bản chất của nó...và văn học nói riêng, các bộ môn nghệ thuật nói chung chỉ còn là một công cụ phục vụ cho mục đích chính trị.

Nghệ thuật là sáng tạo, phục vụ cho con người; đi tìm và hướng đến CHÂN - THIỆN - MỸ. Sự đối mới tư duy, ý thức là điều tất yếu và hiển nhiên trong thế giới đa chiều, đa cực hiện nay. Con đường sáng tạo nghệ thuật không thể định hướng, không thể đi theo lối mòn có sẵn. Nó phải được khai phóng, tự do nếu không muốn những sáng tác trở thành sáo mòn, vô nghĩa. Người sáng tác luôn muốn vượt thoát những cái tầm thường của cá nhân. Việc sử dụng ngôn từ, cấu tứ rất quan trọng trong cách thể hiện thông điệp nằm sâu bên trong tác phẩm. Cái cảm nhận bên ngoài đôi khi làm người đọc bỏ qua tầng sâu ngữ nghĩa ẩn chứa bên trong. Tuy nhiên, để một bài Thơ đích thực với nghĩa đúng của nó là rất công phu. Không chỉ bằng năng khiếu hoặc sắp chữ mà có được.

Nó là cả một quá trình học hỏi, trải nghiệm, tích lũy kiến thức và cảm xúc thật trước một sự vật, hiện tượng .v.v. nó bao hàm cả Tâm và Tầm của người sáng tác. Vì sao nói Thơ hay và đẹp rất ít, còn những loại na ná như thơ thì đầy dẫy... Việc nhiều người viết thơ cũng tốt. Đó cũng là cách để họ giải tỏa nỗi niềm riêng. Nhưng chính vì sự dễ dãi, xem nhẹ các yếu tố cấu thành một bài Thơ đúng nghĩa đã làm cho thơ ngày càng mất giá trị nghệ thuật và bị đánh đồng. Chúng ta cần phải xem làm Thơ là một công việc nghiêm túc và đầy trách nhiệm nếu muốn theo đuổi để tiệm cận những giá trị nghệ thuật chân chính. Bằng không, quy luật đào thải của Văn học Nghệ thuật là rất khắc nghiệt. Tôi đã từng 20 năm gác bút vì không còn cảm xúc thật sự. Chính vì vậy tôi rất hiểu và tôn trọng sự học hỏi, tìm tòi và khả năng sáng tạo của người viết. Nhặt chiếc lá đốt cho đời cháy lại Nửa vành trăng chia dạ lúc tàn đông Câu thơ trải giữa lòng người sóng động Miết mãi đi tìm tiếng núi hồn sông... Không phải cái danh xưng nhà văn, nhà thơ; hay một vài giải thưởng nào đó cùng nhóm, cùng hội trao cho nhau (tất nhiên đáng ghi nhận) là đủ; đó chưa phải tất cả.

Cái quan trọng nhất là: tác phẩm phải được công chúng đón nhận, phải được người đọc yêu thích. Được như vậy, mới xứng đáng với tư cách nhà văn, nhà thơ; Khi đó mới mong khôi phục, phát triển "văn hóa đọc" theo đúng nghĩa của nó. Trong tập thơ xuất bản Quý I, 2023 Kiếm Thơ Trong Thiền, tôi nhiều lần sử dụng từ: Rỗng không... Vì rỗng không là trạng thái cao nhất của thiền khi con người cúi đầu trước Thượng Đế. Xả buông mọi gánh nặng trên vai để tìm về cội nguồn cuộc sống. Và trong trạng thái đó, cho đi là cách nhận lại tốt nhất của tình yêu thương và lòng biết ơn ! Và đó cũng chính là ý nghĩa, thông điệp tôi muốn gởi đến quý độc giả qua tập Thơ Kiếm Thơ Trong Thiền. Thời gian có thể xóa mờ đi tất cả; Nhưng thời gian cũng có thể minh chứng có những điều tồn tại không hề mất đi; Thượng Đế ban tặng cho con người tình yêu thương. Tình yêu thương có cái chung nhưng cũng có sự riêng biệt của nó. Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc; Cũng gọi là Duyên, cũng gọi là nợ trong quá trình thời gian; Có thể là hạnh phúc, có thể là khổ đau; Có thể là chờ đợi, nhớ nhung; Cũng có thể là hờn giận, ghen tuông, trách móc, ủi an... Và cũng có thể tình yêu trong bóng tối, tình yêu thánh thiện, tình yêu đơn phương. Trên mỗi chặng đời, trong một khoảng không gian và thời gian của mỗi con người; không thể nói rằng êm đềm, bằng phẳng; không thể nói rằng chỉ nắng ấm hoa tươi...

427078294-711530771150278-5357426024564377717-n-1jpg1-1708764197.jpg
 

Vẫn có những ngày bầu trời u ám, những bão giông dày xéo tâm hồn. Không có cái gì vĩnh viễn tồn tại ở thế giới loài người; nhưng cũng không phải cái mất đi là không để lại vết tích của nó. Nhất là trong tình yêu thương. Nếu chỉ hời hợt đi qua nhau vì đam mê dục vọng; nếu chỉ đến với nhau theo nhu cầu bản năng; Và nếu như nước mắt làm trôi đi những kỷ niệm, thì có lẽ thế giới sẽ hỗn mang, không tồn tại những giá trị tinh thần mang tính nhân bản. Trong một chừng mực nào đó, tôi luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo và săn đuổi những tứ thơ lạ; hướng về cái tứ thơ đẹp mà tôi bắt gặp đâu đó trong tiềm thức hay trên đường đời trải nghiệm của mình. Tìm kiếm những tứ thơ hay, ý tưởng thơ mới mẻ, nhất là thơ lục bát là cả quá trình lao động cần mẫn, nghiêm khắc của tư duy và thử thách nhận thức lý tính; Là biểu hiện cao nhất của tư tưởng sáng tạo nghệ thuật, như là một thông điệp với đời, với con người.

Một số bài thơ của Lê Viết Hòa

CHIỀU CHẬM RƠI TRÊN SÔNG THẠCH HÃN

Chiều chậm rơi trên sông Thạch Hãn

Bóng thời gian lẫn khuất phía thượng nguồn

Trăng Nguyên Tiêu rọi vào nơi sâu thẳm

Dáng mẹ hiền địu nắng thắp hoàng hôn

Chiều chậm lại trên cổ thành Quảng Trị

Màu thời gian nhuộm xám vệt chân trời

Tôi dõi mắt nhìn đôi bờ sáng tối

Một dòng sông nối tiếp những nhịp đời

Trăng Nguyên Tiêu treo trên trời chót vót

Hương thời gian đốt cháy lửa xuân thì

Tôi dõi mắt nhìn ma trơi nhảy nhót

Nhịp quân hành vang vọng dấu tích xưa

Có khóc đâu mà sao môi mặn chát

Mẹ bây giờ cũng khuất bóng non xa

Tôi đứng lặng nhìn hàng cây trút lá

Nén hương lòng khóc nghẹn ở nghĩa trang

Chiều chậm trôi trên sông Thạch Hãn

Tiếng kinh cầu ghì nặng xuống đôi vai

Ngọn hoa đăng lập lòe trong đêm sáng

Xin thắp cho những Người...

nằm xuống vì

Ngày Mai!

MỘT

Một vườn xưa trống vắng

Một chỗ ngồi mênh mang

Một góc tim trầm lặng

Một bóng đời tịch dương

Một thiên đường chới với

Một ánh nhìn ma trơi

Một con tim vời vợi

Một bóng đời hoàng hôn

Một cội nguồn vất vưởng

Một màu trời sắc hương

Một trái tim ngất ngưởng

Một bóng đời tà dương

Một quê hương trần trụi

Một tấm lòng không nguôi

Một trái tim chấp chới

Một bóng đời nổi trôi

Một niệm tâm xả chấp

Một chiếc lá luân hồi

Một trái tim trống rỗng

Một bóng đời yêu thương

Về - Đi

Đạo

Một con đường

Hòa cùng hoa cỏ nghe dường nhẹ tênh...!

Lê Viết Hòa

ĐÒ NGANG

Đò ngang

Đò ngang

Bến sông quê

Chờ ai

Chờ ai

Nước xuôi dòng

Một đóa hoa (sen) hồng vừa chớm nở (nụ)

Một điệu cung thương nhịp bềnh bồng

Đò ngang

Đò ngang

Bến Văn Lâu

Đợi ai

Đợi ai

Sóng dập dồn

Một mùa thương chảy qua ký ức

Một điệu nam ai lặng vào hồn

Đò ngang

Bến yêu thương

Nhớ ai

Nắng rọi chiều

Một trời hoài niệm xanh lá cỏ

Góc phố thân quen nụ hôn nồng

Đò ngang

Đò ngang

Bến tơ vương

Thương ai

thương ai

Gót sen hồng

Đồi sim tím sẫm loang mắt biếc

Cát bụi vô thường

lạc mất nhau...!

Lê Viết Hòa

GIÓ XUÂN

Mùa xanh trên phiến non tơ

Hây hây ráng nắng hồng bờ môi ngoan

Sắc tươi thắm nở mai vàng

Đôi tà áo lụa rỡ ràng ngó xuân

Gió xuân dạo bước hồng trần

Se se mây cuộn chiếc khăn điệu đàng

Ôi! ta ôm mộng ngỡ ngàng

Nghe thanh xuân thổi ngập tràn yêu thương

Mùa xanh cỏ hát bên đường

Mang mang ký gửi mùi hương nội đồng

Ta từ độ ấy trông mong

Này mùa xuân nụ hôn nồng chẳng phai

Mùa xanh trên suối tóc dài

Mơn man phố cổ miệt mài tháng năm

Hây hây mắt biếc môi trầm

Bước xuân nhè nhẹ rỡ ràng dáng xuân...

Lê Viết Hòa

HƯƠNG RỪNG TRONG CHIẾC KHĂN PIÊU

Em địu hương rừng xuống phố

Váy chùng duyên thắm áo hoa

Anh nghe hồn mình rưng rức

Núi đồi uốn lượn khăn Piêu

Chẳng thể trao em vòng bạc

Tiếng khèn gọi bạn vang xa

Mây xanh lồng trong mắt biếc

Giã bạn không đành về xuôi

Sương giăng từng lớp

Trập trùng cheo leo

Suối len khe đá

Tiếng chảy trong veo

Em gùi hương rừng xuống phố

Dã quỳ ươm nắng vàng ong

Anh ngân tiếng khèn thánh thót

Khăn Piêu tung ánh cầu vòng

Em địu hương mùa xuống phố

Chỉ hồng đan nhịp se tơ

Mây chùng giăng qua đỉnh núi

Giã bạn sao lòng ngẩn ngơ

Mây lưng chừng núi

Chập chờn chiều êm

Tóc thơm hoa lá

Khăn Piêu uốn mềm

Em địu mùa xuân xuống phố

Váy chùng duyên thắm chỉ thêu

Anh nghe hồn mình nao nức

Núi đồi uốn lượn khăn Piêu...

Ngày 16/10/2018

Lê Viết Hòa (Lê Vân)

Hoàng Bạch Diệp (thực hiện)